Liên kết sản xuất rau sạch
Những ngày cuối năm, chúng tôi đến xã Tân An, vùng có truyền thống sản xuất rau của huyện Đak Pơ. Trong tiết trời se lạnh, bà con nông dân đang hăng say lao động với không khí tươi vui, hối hả. Người thì khẩn trương thu hoạch cải thìa, xà lách; người tích cực xuống giống để chuẩn bị cho vụ mới.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng rau, ông Phạm Thành Công (thôn Tân Phong, xã Tân An) hiểu rất rõ những thăng trầm của cây rau trên vùng đất này. Theo ông Công, trước đây, người dân chỉ trồng vài ba luống rau trong vườn để ăn, sau đó mở rộng diện tích để bán. “Khi ấy, trồng rau còn vất vả lắm, nhất là khâu làm đất. Vì không có máy móc như bây giờ nên người dân phải cuốc đất bằng tay. Rồi cũng phải gánh từng gánh ra chợ bán chứ không có xe vào nhập tận nơi như bây giờ. Thị trường rau ngày đó chỉ bó hẹp trong địa bàn huyện và thị xã An Khê, sau đó mở rộng thêm ở TP. Pleiku”-ông Công nhớ lại.
Huyện Đak Pơ có hơn 6.700 ha rau, sản lượng trên 121 ngàn tấn/năm. Ảnh: Đ.T |
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây rau mang lại, những năm gần đây, người dân huyện Đak Pơ không ngừng mở rộng diện tích lên hàng ngàn héc ta, các loại rau trồng cũng phong phú hơn. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và đầu ra vẫn khiến nhiều hộ dân trăn trở. Chia sẻ về vấn đề này, ông Công cho rằng: “Bây giờ, thị trường ưa chuộng rau đẹp nên ngoài kinh nghiệm, người dân còn áp dụng khoa học kỹ thuật để rau cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm”.
Để gia tăng giá trị của sản phẩm trên thị trường, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ An Trường Phát tiên phong liên kết với gần 200 hộ dân trên địa bàn huyện sản xuất hơn 50 ha rau an toàn cung ứng cho các tỉnh, thành trong cả nước. Theo bà Nguyễn Tuyết Hoa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX, mỗi ngày, đơn vị cung cấp cho thị trường Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh gần 30 tấn rau củ các loại. Ngoài ra, HTX còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, đồng thời làm mô hình điểm 1,5 ha rau củ các loại để hướng dẫn các hộ dân ngay tại vườn. “Nhằm kiểm soát tốt quy trình sản xuất, các thành viên trong tổ liên kết đều có nhật ký ghi chép, giám sát chéo lẫn nhau trong tổ và giữa các tổ. Nếu phát hiện tổ nào vi phạm thì sẽ bị loại khỏi chuỗi liên kết. Chính vì vậy, ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia chuỗi liên kết được nâng lên, qua đó, tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là tiền đề để huyện xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh rau củ trong thời gian đến”-bà Hoa khẳng định.
Nâng tầm giá trị rau xanh
Huyện Đak Pơ có hơn 6.700 ha rau, sản lượng trên 121 ngàn tấn/năm. Với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cùng kinh nghiệm sản xuất nhiều năm của người dân, Đak Pơ có điều kiện để phát triển vùng chuyên canh rau an toàn. Tuy nhiên, đến nay, địa phương chưa phát triển nghề trồng rau tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Người dân chủ yếu sản xuất tự phát, chưa tạo ra nhiều chuỗi liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Thời gian qua, việc liên kết sản xuất gắn với quảng bá nhãn hiệu và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trên địa bàn huyện còn tồn tại một số khó khăn như: tổng diện tích rau xanh sản xuất an toàn (VietGAP) chỉ đạt khoảng 60 ha; nhận thức của người dân về sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết còn yếu, gây khó khăn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; sản phẩm có chất lượng không đồng đều… dẫn đến việc tiêu thụ gặp khó, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Xuất phát từ tình hình thực tế và định hướng phát triển của địa phương, mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thông qua chủ trương thực hiện Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau Đak Pơ, tỉnh Gia Lai” với tổng kinh phí gần 650 triệu đồng. Theo đó, định hướng của huyện là tiếp tục mở rộng và phát triển diện tích vùng rau an toàn đến năm 2030 đạt 500 ha. Trong đó, tập trung sản xuất rau gắn với nhu cầu thị trường, các nhà máy chế biến. Đồng thời, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch đối với sản phẩm rau. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quảng bá thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm rau Đak Pơ.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Trường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy-cho biết: Việc triển khai Dự án “Phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau Đak Pơ, tỉnh Gia Lai” sẽ cho ra thị trường lượng rau sạch đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng. Đồng thời, huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, tạo đầu ra ổn định cho cây rau. Huyện cũng hướng tới quảng bá hình ảnh thương hiệu, nhãn hiệu rau Đak Pơ trên thị trường để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, đổi mới các phương thức quảng bá nhằm nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm rau Đak Pơ, đảm bảo uy tín về chất lượng và số lượng.
“Để tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm rau Đak Pơ, thời gian tới, huyện chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động kết nối phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiêu thụ sản phẩm rau VietGAP với mục tiêu tiến đến xây dựng thương hiệu vùng rau an toàn của huyện nói riêng và tỉnh nói chung”-ông Trường thông tin thêm.