Nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt
Những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân, sự phát triển kinh tế-xã hội của thị xã. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Đảng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, thị xã An Khê đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của thị xã đạt hơn 10.209 tỷ đồng, bằng 100,28% kế hoạch, tăng 13,09% so với năm 2021. Giá trị sản lượng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 7.250 tỷ đồng. Tổng mức luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 6.120 tỷ đồng, bằng 101,97% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.200 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn được 150,26 tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán tỉnh giao, bằng 80,18% dự toán HĐND thị xã giao; tổng chi ngân sách 407,95 tỷ đồng, đạt 106,55% dự toán tỉnh giao, bằng 93,6% dự toán HĐND thị xã giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,89 triệu đồng/năm.
An Khê phấn đấu xây dựng thị xã đạt các tiêu chí đô thị loại III. Ảnh: N.M |
Tận dụng thời tiết thuận lợi, trong năm 2022, nông dân toàn thị xã đã gieo trồng hơn 9.534 ha cây trồng các loại, đạt 100,58% kế hoạch. Công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tiếp tục được địa phương quan tâm, triển khai. Thị xã từng bước hình thành vùng chuyên canh rau sạch, cây ăn quả, cây dược liệu. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương tích cực triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2022, có 12 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3-4 sao, hiện toàn thị xã có 18 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh.
Cùng với đó, thị xã An Khê đã xây dựng kế hoạch quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã đến năm 2035. Trên cơ sở đó, An Khê sẽ triển khai kế hoạch xây dựng tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2022-2025, phấn đấu xây dựng thị xã đạt các tiêu chí đô thị loại III.
Đến nay, thị xã đã được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã: Cửu An, Thành An, Song An, Tú An và Xuân An. Đến cuối năm 2022, các xã đã đạt 8-15 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Việc xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; trong đó, làng Pốt (xã Song An) đạt 19/19 tiêu chí; các làng: Pơ Nang, Nhoi và Hòa Bình (xã Tú An) đạt 16-17 tiêu chí.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo được ưu tiên thực hiện. Toàn thị xã có 27/28 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 96,42%. Thị xã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai di dời, xây dựng Trường THPT Nguyễn Khuyến. Thị xã có 1 trung tâm y tế, 11 trạm y tế, 100% thôn, làng có cán bộ y tế hoạt động; cơ bản đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và phòng-chống dịch bệnh cho người dân. Năm 2022, có 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2,99% so với năm 2021.
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 22-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nhiệm kỳ 2022-2025, đến giữa tháng 9-2022, thị xã đã hoàn thành tổ chức đại hội ở 100% chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và bầu 394 người vào cấp ủy chi bộ (đạt 80%); 54/60 thôn, làng, tổ dân phố có trưởng thôn, tổ dân phố là đảng viên; 45/60 thôn, làng, tổ dân phố có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Công tác phát triển đảng viên tiếp tục được chú trọng. Trong năm 2022, toàn Đảng bộ kết nạp được 75 đảng viên mới, đạt 101,35% nghị quyết.
Bên cạnh đó, thị xã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực hoạt động của bộ máy nhà nước đáp ứng nhiệm vụ phát triển-xã hội thời kỳ mới. Đồng thời, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân gắn với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Qua đó, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
Chú trọng phát triển văn hóa-du lịch
An Khê là vùng đất giàu trầm tích lịch sử, có hệ thống thiết chế tín ngưỡng, di tích văn hóa phong phú và đa dạng. Từ năm 2015-2019, các nhà khảo cổ trong nước và quốc tế đã phát hiện 23 địa điểm di tích sơ kỳ Đá cũ nằm rải rác ở 6/11 xã, phường tại An Khê. Các nhà khoa học đã khai quật và tìm thấy nhiều hiện vật có niên đại hơn 80 vạn năm cách ngày nay, nằm ở di tích Gò Đá (phường An Bình) và Rộc Tưng (xã Xuân An). Thị xã đã xây dựng nhà bảo tồn ngoài trời tại di tích Rộc Tưng 1 và Rộc Tưng 4 nhằm bảo vệ tại chỗ hố khai quật, đồng thời làm điểm tham quan, nghiên cứu, học tập, giới thiệu cho du khách.
Sau 30 năm được công nhận di tích quốc gia, đầu năm 2022, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích có 9 cụm, được phân bố ở các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh, gồm: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và An Khê. Trong đó, trên địa bàn thị xã An Khê có 6 cụm di tích, gồm: cụm lũy An Khê-An Khê trường-An Khê đình-Gò Chợ, cụm Miếu Xà-Cây Ké phất cờ-Cây Cầy nổi trống, cụm Hòn Bình-Hòn Nhược-Hòn Tào-Gò Kho-Xóm Ké, cụm Gò Đồn-Gò Trại-Vườn Lính-Mễ Kho, cụm Núi Hoàng Đế và cụm Đình Cửu An, Dinh Bà.
Cùng với hệ thống các di tích, An Khê còn gìn giữ được nhiều lễ hội như lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, hội cầu huê, lễ Khai Sơn, lễ cúng Quý Xuân, lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung… Những năm qua, thị xã không ngừng mở rộng, nâng tầm tổ chức các lễ hội, thu hút người dân và khách du lịch. An Khê đã và đang trở thành điểm du lịch văn hóa, nghiên cứu lịch sử hấp dẫn. Năm 2022, thị xã đã đón 289 đoàn với gần 12.000 lượt du khách tới tham quan, nghiên cứu, học tập.
Thị xã An Khê chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Ảnh: N.M |
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2023:
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 12,8%
- Thu ngân sách đạt 195,72 tỷ đồng
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.505 tỷ đồng
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 56,15 triệu đồng
- Có 2 phường đạt chuẩn đô thị văn minh
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,42% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025)…
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thị xã An Khê tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh quy hoạch chi tiết di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá; đề xuất hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, trùng tu tôn tạo một số di tích thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo… Đồng thời, thị xã tăng cường công tác sưu tầm, dịch thuật và phục dựng sắc phong tại các di tích; nâng tầm tổ chức lễ hội truyền thống; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng làng văn hóa, kết hợp với bảo tồn, phục dựng kiến trúc nhà rông nguyên mẫu xưa của người Bahnar; sưu tầm, bảo tồn và tái hiện các giá trị văn hóa của người Bahnar như: lễ hội cồng chiêng, hát sử thi hơmon, các lễ hội, nghi lễ truyền thống, nghề truyền thống, ẩm thực…
Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và tạo liên kết các vườn dâu đỏ, vườn cây ăn quả có múi ở xã Cửu An, Tú An. Tăng cường hợp tác, liên kết với các công ty du lịch, các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, sản phẩm du lịch; hình thành các tuyến du lịch, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.
Năm 2023-năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã An Khê tích cực triển khai thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ thị xã An Khê (14/3/1948-14/3/2023) và 20 năm thành lập thị xã An Khê (12/2003-12/2023). Đây là dịp để thị xã đánh giá những thành tựu nổi bật về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá bản sắc văn hóa, hình ảnh, con người An Khê tới bạn bè gần xa.
NGUYỄN XUÂN PHƯỚC
Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê