Báo xuân

Về lại "thủ đô kháng chiến"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi đã nhiều lần về thủ đô cách mạng một thời ở Tân Trào, mỗi lần về tuy thời gian lưu lại không lâu, nhưng với người hay “khám phá”, tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm những điều có thể mà trước đó chỉ nghe hoặc đọc ở đâu đó từ người khác, từ sách báo… 
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai và Báo Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm tại đình Tân Trào. Ảnh: Đ.T

Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai và Báo Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm tại đình Tân Trào. Ảnh: Đ.T

Tháng 5-1945, Bác Hồ từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang). Tại nơi sơn thủy hữu tình này, dưới sự lãnh đạo tài tình, mưu lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng đã diễn ra những sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc mình trước Cách mạng Tháng Tám. Đó là việc tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định tổng khởi nghĩa; là nơi Quốc dân Đại hội để thảo luận, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, bầu ra Chính phủ lâm thời để chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 lịch sử. Các sự kiện này diễn ra ở đây tuy chỉ trong vòng mấy tháng, nhưng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong cả nước và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lần thứ 2, sau gần 10 năm trở lại Tân Trào-cuối năm 2011, các đồng nghiệp ở Tuyên Quang nhiệt tình đưa tôi trở về thăm lại thủ đô kháng chiến. Khác xa lần về trước, tất cả di tích đã được trùng tu, cải tạo. Đình Hồng Thái (đặt theo tên của Liệt sĩ Phạm Hồng Thái) có vẻ như lớn hơn lần trước khi tôi đến. Cô hướng dẫn viên người địa phương giọng đầy tự hào khi giới thiệu cho chúng tôi về di tích lịch sử này. Người hướng dẫn viên cho biết, đình được xây dựng năm 1919 tại thôn Cả. Phía trên 3 gian có một sàn lửng được chia làm 2 phần: thượng cung là nơi để đồ cúng tế, vọng cung để đồ tế khí. Sàn đình dùng làm nơi hội họp. Đình thờ Thành hoàng làng và các vị thần sông, thần núi xung quanh vùng; ngoài ra, đình còn thờ Ngọc Dung công chúa.

Sau hành trình 18 ngày đêm, ngày 21-5-1945, Bác đến Tân Trào, đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên. Bác đến đình vào buổi trưa, bước vào đình, Bác nhìn bao quát khung cảnh xung quanh vẻ rất hài lòng. Bác bắt đầu câu chuyện cùng mọi người có mặt ở đây để đón Bác với những lời hỏi thăm ân cần về sức khỏe, về chuyện làm ăn, về tình hình phong trào cách mạng của địa phương.

Du khách tham quan lán Nà Nưa. Ảnh: Du lịch Tuyên Quang

Du khách tham quan lán Nà Nưa. Ảnh: Du lịch Tuyên Quang

Với một đoạn đường không xa lắm, các đồng nghiệp chủ nhà đưa chúng tôi lên lán Nà Nưa. Người hướng dẫn viên cho biết, chỉ ít ngày sau khi đến Tân Trào, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, Bác đã nhờ các cán bộ địa phương đưa đi tìm địa điểm đặt “trụ sở”. Ngay sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập 500 m về phía Đông là nơi được Bác chọn, ở đây đáp ứng được yêu cầu của Người: gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Lán có 2 gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi làm việc và tiếp khách. Theo giọng thuyết minh rất truyền cảm của người hướng dẫn, chúng tôi đặc biệt xúc động với nhiều chi tiết mà lần đầu được biết khá cặn kẽ về những ngày Bác sống và làm việc cực kỳ gian khổ, thiếu thốn đủ bề ở nơi này. Sức khỏe của Người vì thế mà không được tốt, căn bệnh ác hiểm làm Bác thêm kiệt sức mỗi ngày. Và, một người thầy thuốc vô danh đã tìm củ rừng để chữa bệnh cho Bác, chỉ sau mấy lần uống thuốc pha lẫn cháo loãng thì sức khỏe của Bác đã dần hồi phục và khỏi bệnh.

Tân Trào trước kia là xã Kim Long, diện tích đâu chừng trên 3.000 km2, dân số cũng không nhiều, xấp xỉ 4.000 người. Từ bấy đến nay, người dân chịu thương chịu khó, cần mẫn lao động, tăng gia sản xuất, lại được cấp ủy và chính quyền các cấp chăm lo đầu tư, hướng dẫn cung cách làm ăn nên đời sống khá lên nhiều. Giờ đây, Tân Trào đã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, dọc hai bên đường, những luống hoa rực rỡ khoe sắc. Những nếp nhà sàn đơn sơ, nằm tĩnh lặng giữa thủ đô kháng chiến, đời sống người dân nâng cao khi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6% (năm 2022), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm.

Là nơi một thời bà con dành hết sức người sức của chăm lo phục vụ, bảo vệ Bác, bảo vệ Trung ương Đảng, một trong những cái nôi của cách mạng thì việc đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho người dân là việc phải làm và là việc làm hết sức đúng đắn của cấp ủy và chính quyền sở tại. Hiện nay, Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã “An toàn khu” để người dân nơi đây được thụ hưởng thêm các chính sách ưu tiên trong đời sống xã hội!

Hồ thủy điện Tuyên Quang điểm đến yêu thích của du khách. Ảnh: Quốc Việt

Hồ thủy điện Tuyên Quang điểm đến yêu thích của du khách. Ảnh: Quốc Việt

Cuối tháng 6-2022, trong khi không khí “hậu” kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ và các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ trở lại Tuyên Quang (2/4/1947-2/4/2022) để lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc, tôi lại có dịp trở về thủ đô cách mạng năm xưa một lần nữa. Mỗi lần trở lại thủ đô kháng chiến, tôi lại có những cảm xúc khác nhau. Cũng cần nói thêm, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Bác Hồ đã đưa ra quyết định lịch sử là từ Hà Nội trở lại Tuyên Quang. Ngày 2-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Đây là nơi ở, làm việc đầu tiên khi Người trở lại chiến khu Tân Trào. Chúng tôi được biết, những ngày tháng 8 lịch sử, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào lại đón hàng ngàn lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, ôn lại ký ức và truyền thống hào hùng của dân tộc.

Vậy đấy, có được lòng tin của muôn dân như thế, phải có cái gốc, cái cội của nó. Gốc cội ấy chính là từ chiến khu-ATK, nơi Bác Hồ chỉ dẫn cả dân tộc làm nên cuộc khởi nghĩa có một không hai tại thời điểm mà thời cơ chỉ có một để làm nên sự nghiệp lớn. Bây giờ, sau ngần ấy năm, đất nước không còn chiến tranh, Nam-Bắc một nhà, hai miền xuôi-ngược không còn cách trở, nếu đâu đó, những ai đó chưa thấm nhuần lời dạy của Bác thuở trước, rằng phấn đấu đưa miền núi tiến kịp miền xuôi thì hãy bắt đầu học bài học này trước khi quyết định những chính sách có liên quan đến “đền ơn đáp nghĩa”, đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cho hôm nay và cho mai sau.

ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm