Báo xuân

Ia Pa 20 năm một chặng đường phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2022, kinh tế-xã hội huyện Ia Pa đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây là tiền đề quan trọng để cấp ủy, chính quyền và người dân vững vàng bước vào năm Quý Mão 2023 với mốc lịch sử kỷ niệm 20 năm thành lập huyện.

Kinh tế-xã hội phát triển ổn định

Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn, huyện Ia Pa đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022. Hầu hết chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 là 32,99 tỷ đồng, đạt 182,7% kế hoạch tỉnh giao và đạt 156,5% kế hoạch HĐND huyện giao, tăng 49% so với năm 2021. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện 35.578 ha, bằng 101,3% kế hoạch và 103,6% so với năm trước; tổng sản lượng lương thực đạt 71.484 tấn.

Người dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa TBR225 ở xã Ia Ma Rơn. Ảnh: Vũ Chi

Người dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa TBR225 ở xã Ia Ma Rơn. Ảnh: Vũ Chi

Ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phòng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vụ Đông Xuân 2021-2022, UBND các xã: Pờ Tó, Chư Mố, Chư Răng, Ia Kdăm, Kim Tân đã sử dụng nguồn vốn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2021 để triển khai các mô hình cánh đồng sản xuất giống lúa mới TBR-1, Đài Thơm 8 và BC15 trên diện tích 343 ha; năng suất đạt 7-8 tấn/ha. Trong năm, huyện đã hoàn thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với gạo Pờ Tó TBR97 và bưởi da xanh, gửi trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo quy định. Đây là tiền đề quan trọng để quảng bá nông sản đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Toàn huyện có trên 6.500 hộ chăn nuôi và 5 trang trại chăn nuôi công nghệ cao với tổng đàn vật nuôi 418.200 con. Tháng 9-2022, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại 2 xã Chư Răng, Kim Tân làm 108 con heo chết, tổng trọng lượng 3.394 kg. Tháng 10-2022, bệnh lở mồm long móng ở bò xuất hiện tại xã Ia Broăi. Đến nay, 51/76 con bò bị bệnh đã được điều trị khỏi bệnh, 25/76 con tiếp tục theo dõi và điều trị. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với chính quyền các xã triển khai phun 1.206 lít Benkocid tiêu độc, khử trùng môi trường và hoàn thành tiêm phòng 6.453 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 7.953 liều viêm da nổi cục ở trâu, bò; 1.372 liều dịch tả heo; 600 liều dại chó; 6.453 liều lở mồm long móng ở trâu, bò.

Nhờ áp dụng cơ giới hóa từ gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch, người nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ áp dụng cơ giới hóa từ gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch, người nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Ảnh: Vũ Chi

Trong năm, huyện đã phân bổ, điều chỉnh kịp thời các nguồn vốn ngân sách, đặc biệt là đầu tư công, xây dựng cơ bản cho các cơ quan, đơn vị thực hiện; cấp phát các khoản kinh phí hỗ trợ, gạo cứu đói kịp thời, đảm bảo không có người dân thiếu đói trong dịp Tết. Các chương trình chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được tiến hành kịp thời, đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang-thiết bị, công tác trực cấp cứu tại bệnh viện và cơ sở y tế các xã, quan tâm hỗ trợ các đối tượng chính sách, người có công và hộ nghèo đúng quy định. Nghiệm thu và bàn giao 16 căn nhà tình nghĩa đưa vào sử dụng giúp người nghèo từng bước an cư, ổn định cuộc sống.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động việc làm đều bám sát kế hoạch, chương trình nên được triển khai thực hiện tích cực; quan tâm chỉ đạo giải quyết các vụ việc đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số so với cùng kỳ; số vụ phạm pháp hình sự giảm so với các năm trước; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, triển khai đồng bộ, chặt chẽ theo đúng kế hoạch.

Thi đua lập thành tích chào mừng 20 năm thành lập huyện

Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Trường cho biết: Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập huyện. Huyện ủy, UBND huyện đang triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.

Dự báo, kinh tế trong nước, trong tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển nhanh sẽ tác động tích cực đến kinh tế của huyện Ia Pa thêm khởi sắc, đặc biệt là thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới (NTM) và triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối với các địa phương, khu vực lân cận để phát triển kinh tế vùng.

Sau 20 năm thành lập, cơ sở hạ tầng huyện Ia Pa ngày càng khang trang. Ảnh: Vũ Chi

Sau 20 năm thành lập, cơ sở hạ tầng huyện Ia Pa ngày càng khang trang. Ảnh: Vũ Chi

Trên cơ sở đó, huyện đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,9%; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, đảm bảo có sự chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, nông-lâm nghiệp 48,97%; công nghiệp-xây dựng 30,36%; dịch vụ-thương mại 20,67%. Tổng diện tích gieo trồng phấn đấu đạt 35.920 ha; tổng sản lượng lương thực 70.123 tấn; tổng thu ngân sách trên địa bàn 19,73 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo 42,8%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 73%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh 92,3%; thu nhập bình quân 43,5 triệu đồng/người/năm…

Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Năm 2023, huyện tiếp tục kiểm soát, kiến nghị tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính về đất đai, tạo môi trường công vụ thông thoáng, thân thiện để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư phát triển. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển nông-lâm nghiệp bền vững; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện vụ Đông Xuân 2022-2023 gắn với công tác phòng-chống hạn, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn. Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, thực hiện dự án đánh giá thích nghi đất đai, phân vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2030.

Cùng với đó, lồng ghép thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn và huy động đóng góp của cộng đồng xã hội và dân cư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo trong công tác điều hành triển khai thực hiện; đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát đảm bảo kịp thời đúng tiến độ, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; thường xuyên phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhằm làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân. Phấn đấu cuối năm 2023, xã Kim Tân đạt chuẩn NTM; củng cố, duy trì NTM tại 2 xã Ia Ma Rơn, Ia Tul; xây dựng 6 làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể bạn quan tâm