Từ chứng nhận nhãn hiệu chôm chôm
Huyện Ia Grai là “thủ phủ” chôm chôm của Gia Lai với 150 ha, tập trung ở xã Ia Tô với khoảng 40 ha. Những năm gần đây, chôm chôm Ia Grai đã khẳng định chỗ đứng và ngày càng vươn xa trên thị trường. Đặc biệt, cuối năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “Chôm chôm Ia Grai-Gia Lai”. Đây là cơ sở để hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, mở ra cơ hội mới về thị trường cho các hộ trồng chôm chôm trên địa bàn.
Du khách nước ngoài tham quan vườn chôm chôm ở xã Ia Tô, huyện Ia Grai. Ảnh: G.H |
Phấn khởi khi chôm chôm Ia Grai được cấp chứng nhận nhãn hiệu, ông Lục Triển Vọng-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 6 (xã Ia Tô) cho hay: Thôn có hơn 100 hộ trồng chôm chôm. Cây chôm chôm rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng này nên cho quả ngọt, giòn, được người tiêu dùng yêu thích. Trung bình mỗi héc ta chôm chôm cho thu hoạch 30 tấn quả/năm, giá bán 18-22 ngàn đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 600 triệu đồng. “Việc được cấp chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chôm chôm giúp chúng tôi tự tin hơn vào hướng đi đã chọn, đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm”-ông Vọng nói.
Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Việc sản phẩm chôm chôm Ia Grai được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có ý nghĩa lớn, giúp sản phẩm được bảo hộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong lộ trình xây dựng thương hiệu cho quả chôm chôm. Vấn đề quan trọng là nâng tầm chất lượng nhằm nâng cao uy tín, danh tiếng và mở rộng thị trường tiêu thụ. “Thời gian đến, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về cách chăm sóc cây chôm chôm cho các hộ dân trên địa bàn. Mục đích là để người dân được tiếp cận với các kỹ thuật mới, quy trình sản xuất an toàn cũng như liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chôm chôm, góp phần nâng cao thu nhập”-ông Thắm thông tin.
Vườn cam ở xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Ảnh: Huyền Tỷ |
Nỗ lực đưa chanh dây, chuối xuất ngoại
Đứng chân tại xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang), HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai có gần 40 thành viên và liên kết với 150 hộ dân các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Chư Prông canh tác hơn 300 ha chanh dây, trong đó có khoảng 80 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX-cho biết: Năm 2008, chị mua 80 cây giống chanh dây ở Lâm Đồng về trồng thử. Sau đó, nhận thấy loại cây này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chị tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Đến năm 2011, thông qua các mối quan hệ, chị đã kết nối với một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đưa sản phẩm chanh dây sang các nước châu Âu. Năm 2017, HTX thu về hàng tỷ đồng nhờ xuất khẩu sản phẩm chanh dây tươi sang thị trường Pháp và Thụy Sĩ. Đến năm 2019, chị Thơm thành lập HTX nhằm hiện thực hóa ý tưởng đầu tư chế biến, nâng cao giá trị của chanh dây Gia Lai.
Đến nay, HTX đã xây dựng được 7 mã số vùng trồng cho cây chanh dây với diện tích 126,4 ha. Đồng thời, HTX cung cấp ra thị trường các sản phẩm gồm: chanh dây tươi xuất khẩu, ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh dây, chanh dây sấy dẻo, bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây… Mỗi năm, HTX thu lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Trong năm 2022, HTX đã xuất khẩu 196 tấn chanh dây. “Để nâng cao giá trị quả chanh dây Gia Lai, HTX đầu tư mở rộng các kênh bán hàng thương mại điện tử, đồng thời đăng ký cấp chứng nhận ISO 22000:2018, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân”-chị Thơm chia sẻ.
Cánh đồng chuối lớn của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: P.N |
Là doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu từ cuối năm 2020 đến nay, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đã có được thị trường ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Trương Thành Trọng-phụ trách kinh doanh của Công ty-cho biết: Hiện Công ty có 380 ha chuối già hương Nam Mỹ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Đak Đoa. Đồng thời, Công ty đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 7 mã số vùng trồng chuối và 3 mã số cơ sở đóng gói. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu hơn 11 ngàn tấn chuối với kim ngạch 7,6 triệu USD. “Để phát triển thị trường cũng như tăng sản lượng hàng xuất khẩu, Công ty đặt mục tiêu mở rộng diện tích chuối lên 1.000 ha, bình quân mỗi năm tăng khoảng 200 ha. Công ty mong muốn các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lớn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chuối Gia Lai trên thị trường quốc tế”-ông Trọng thông tin.
Toàn tỉnh hiện có trên 4.100 ha chanh dây và hơn 6.300 ha chuối. Để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân chuẩn bị điều kiện cần thiết cho xuất khẩu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn giúp bà con nông dân nhận thấy tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình sản xuất sạch theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời, ngành phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Có 4 loại cây được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực gồm: chanh dây, chuối, bơ và sầu riêng. Đồng thời, định hướng phát triển cây chanh dây lên 10.000 ha. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận 350-400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, cây chuối cũng mang lại lợi nhuận tương tự sau khi trừ chi phí. Để có được giá trị cao như vậy, tỉnh đã chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất vào 2 loại cây chính là chanh dây và chuối, mở đường đưa thương hiệu trái cây của tỉnh vươn xa”.
PHẠM NGỌC - GIA HƯNG