Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn: Gia Lai là “mỏ vàng” cho nhiếp ảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Hoàng Quốc Tuấn là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) phong tặng tước hiệu M.FIAP (Master FIAP-Nghệ sĩ bậc thầy). Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với nghệ sĩ nhiếp ảnh này khi anh vừa có chuyến công tác tại Gia Lai.
* Được biết nghệ sĩ đã nhiều lần đến Gia Lai, cảm xúc những chuyến đi trong anh như thế nào?
- Tôi đã đến sáng tác tại Gia Lai cũng như khu vực Tây Nguyên nhiều lần. Mỗi lần đến là mỗi lần cho tôi những xúc cảm thật đặc biệt. Con người và không gian sống ở nơi này đủ làm dày thêm những cảm xúc trong mỗi chuyến đi, cho tôi nhiều khoảnh khắc bấm máy. Những tác phẩm ấn tượng cũng ra đời từ đây và gặt hái nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Tôi cũng cảm ơn những người bạn đầy chất nghệ sĩ của vùng đất tuyệt vời như: Phạm Dực, Huy Tịnh, Trần Phong, Nhất Hạnh, Hùng Hoa Lư… Họ không chỉ là những người bạn đường tuyệt vời mà tác phẩm của các nghệ sĩ đã khiến tôi có nhiều hơn tình yêu với vùng đất chưa lạ mà quen.
“Bếp ấm” đạt nhiều giải quốc tế.
* Cảm xúc ấy đã cho anh những tác phẩm nào về Gia Lai? Và anh gặt hái được gì từ đó?
- Tôi có nhiều tác phẩm về Gia Lai được đánh giá cao. Những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm của tôi cũng thật hồn nhiên, chân thật, mang đậm dấu ấn và phong vị Tây Nguyên. Nhiều tác phẩm vinh dự đứng đầu trong các cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế như: “Nhớ mẹ”-giải thưởng lớn của Grandprix-châu Âu 2008 và nhiều huy chương vàng (HCV) tại Áo, Ấn Độ, Nhật, Slovenia, Hồng Kông, Mỹ và nhiều giải thưởng khác tại nhiều quốc gia; “Chân dung số 05”-HCV tại Ma Cao 2007; “Tay trong tay”-HCV tại Mỹ và nhiều giải thưởng khác tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ; “Bếp ấm”-HCV tại Mỹ, cúp vàng Hồng Kông; “Đôi bạn già”-giải đặc biệt về chân dung tại Mỹ, Đức. Đặc biệt, tác phẩm “Mắt biếc” đoạt hơn 10 HCV, cúp vàng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
* Từng làm giám khảo nhiều cuộc thi về nhiếp ảnh có uy tín, anh đánh giá thế nào về những tác phẩm khai thác đề tài văn hóa Tây Nguyên?
- Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng được ví như “mỏ vàng” cho nhiếp ảnh. Nhiều nghệ sĩ đã có những khoảnh khắc vàng khi bắt được những phút rung động vi diệu từ cuộc sống, thiên nhiên vùng Tây Nguyên. Và đã có nhiều bức ảnh chất lượng được khai sinh từ đây. Tuy nhiên, các tác phẩm đạt giải, theo tôi, phải là những tác phẩm vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa giàu tính nhân văn.
* Cảm nhận của anh về những tác phẩm cùng chủ đề của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Gia Lai?
- Nhiếp ảnh Gia Lai có ưu thế tiếp cận vùng đất có bề dày văn hóa. Tác phẩm của những nghệ sĩ nhiếp ảnh tại Gia Lai đã khai thác những đặc trưng văn hóa, con người dưới góc nhìn riêng, cảm quan riêng. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã mang về cho Việt Nam vô số những huy chương, cup vàng danh giá. Tây Nguyên được cả thế giới biết đến thông qua nhiếp ảnh. Nó khiến các nhiếp ảnh gia quốc tế thèm khát, ao ước đặt chân lên vùng đất này để thỏa sự tò mò và được tự do thể hiện sự sáng tạo… Tôi hy vọng, cộng đồng cùng chung tay giữ gìn nét văn hóa độc đáo, hiếm có này.
* Xin cảm ơn anh!
Hoàng Ngọc (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm