Người "giữ hồn" Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn lưu giữ nét văn hóa Tây Nguyên cho thế hệ sau, anh Nguyễn Văn Hưng (46 tuổi, thôn 6, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) đã đến nhiều nơi để sưu tầm hàng chục ngàn hiện vật, cổ vật quý hiếm của hầu hết các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên về lưu giữ và trưng bày tại nhà mình. Việc làm có ý nghĩa này của anh được ngành Văn hóa tỉnh khuyến khích và đánh giá cao.

Các cổ vật đồ đá như rìu đá, búa đá, đá mài… được anh Hưng sưu tầm khá nhiều. Ảnh: Q.T

Căn nhà của anh Nguyễn Văn Hưng rộng chừng 60 m2 và nằm khuất sâu trong vườn cà phê. Bên trong căn nhà không hề có vật dụng sinh hoạt gì đáng giá. Cái quý nhất mà như anh nói, đó là hàng chục ngàn hiện vật, cổ vật phản ánh đời sống văn hóa của người bản địa như: chiêng cổ, ché (ghè) hàng trăm năm tuổi, cung tên, vòng đeo tay, cối giã gạo hay những vật dụng dùng để đào củ, chẻ củi của người Bahnar, Jrai xưa… đến các hiện vật đồ đá của người tiền sử như: rìu đá, búa đá, đá mài…

Những báu vật vô giá này được anh cẩn thận cất giữ thành lô, khoảnh chật kín nhà. Lúc chúng tôi đến, một số vị khách cũng đang có mặt tại đây để tham quan. Anh Hưng đang làm nương rẫy phải bỏ dở công việc để say sưa kể cho khách nghe về nguồn gốc cũng như ý nghĩa từng hiện vật mà anh sưu tầm được.

Theo anh Hưng, những hiện vật nói trên được anh sưu tầm từ các buôn làng ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh hơn 15 năm nay. “Hồi chuyển từ Tuyên Quang vào huyện Chư Prông định cư, tôi rất thích thú với văn hóa của người đồng bào nơi đây, một thứ văn hóa có sức mê hoặc đến kỳ lạ. Cũng vì thích nên tôi lo sợ nền văn hóa này sẽ bị mai một. Thực tế là tôi từng bật khóc khi chứng kiến nhiều bộ ché quý hiếm phải chôn theo người chết hoặc nhiều bộ cồng chiêng bị bán đi. Tôi quyết định bằng mọi giá phải lưu giữ chúng lại cho con cháu đời sau”-anh Hưng tâm sự.

 

Anh Hưng bên những hiện vật mà anh cất công sưu tầm. Ảnh: Q.T

Trong 15 năm qua, anh Hưng đã bỏ công sức và tiền của để lang thang khắp mọi ngóc ngách ở các buôn làng để tìm kiếm, sưu tập vì sợ các hiện vật, cổ vật này bị mai một. “Từ những mảnh sành, mảnh sứ đến từng chiếc vòng, cối giã gạo hay từng bộ chiêng tôi đều sưu tầm hết. Có những hiện vật người dân biết tôi sưu tầm vì để bảo tồn nên tặng, biếu cho tôi. Có những hiện vật tôi phải mất cả tuần thuyết phục mới mua được. Năm 2001, trong làng có ông lão gần đất xa trời đã căn dặn con cháu khi ông mất thì đập ché làm đôi rồi chôn gối đầu cho ông. Tôi hay tin, đến nhà ông ăn ở, thuyết phục nhượng lại bộ ché cho mình để bảo tồn. Thấy tôi có tâm nên nhiều ngày sau ông cũng gật đầu đồng ý nhưng thách phải bù một con bò. Tôi  bỏ công việc dành cả tuần dẫn ông này đi khắp làng để ông chọn bò. Cũng có lúc người ta bán bộ chiêng, gia đình hết tiền đành phải nhịn ăn để mua”-anh Hưng nhớ lại.

Số tiền anh Hưng bỏ ra để sưu tầm hiện vật  trong 15 năm qua rất nhiều. Bao nhiêu tiền tích góp của gia đình, từ vườn cà phê, có lúc túng thiếu anh phải đi vay mượn khắp nơi chỉ để phục vụ cho công việc mà nhiều người bảo là "thú vui khác người". Anh Hưng cho biết thêm: “Những thứ sưu tầm được, nhiều người hỏi mua với giá "khủng" nhưng tôi không bán. Với tôi, chúng là vô giá và không thể đánh đổi với bất cứ thứ gì. Tôi đang có ý định mở bảo tàng tư nhân để trưng bày cho người dân tham quan”.

Trao đổi với P.V, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: “Tôi đã nghe chuyện anh Hưng dày công sưu tầm hiện vật văn hóa về trưng bày. Về góc độ quản lý nhà nước, tôi khuyến khích và đánh giá cao các thành phần (cá nhân, doanh nghiệp…) sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa. Vì thế, việc sưu tầm của anh Hưng là đáng khen, đáng hoan nghênh”. Cũng theo ông Vũ, có nhiều tiêu chuẩn cũng như điều kiện để mở bảo tàng tư nhân. Nếu anh Hưng có ý thành lập bảo tàng tư nhân thì nên tìm hiểu xem có đảm bảo quy định hay không. Nếu đảm bảo, ngành Văn hóa sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt thủ tục tối đa cho anh Hưng.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm