Biển đảo Việt Nam

Những thầy thuốc mặc áo lính trên quần đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giờ đây, trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nếu cán bộ, chiến sĩ hay nhân dân gặp phải vấn đề về sức khỏe, tai nạn, thương tích, là có sự xuất hiện của các y-bác sĩ của các Bệnh viện 108, 175, 103 và một số bệnh viện tuyến quân khu. Với nhiệm vụ của mình, những thầy thuốc mặc áo lính không chỉ hoàn thành tốt việc chăm sóc sức khỏe cho đồng đội trên đảo mà với ngư dân, nhân dân khi gặp sự cố về sức khỏe cũng yên tâm khi có các chiến sĩ quân y ở bên.

Khi chúng tôi đặt chân đến đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa vào một ngày áp Tết Nguyên đán vừa qua cũng là lúc ca mổ ruột thừa do Thượng úy Lê Văn Lợi-Bệnh xá trưởng vừa được thực hiện xong. Người được các y-bác sĩ tại đảo cấp cứu và mổ kịp thời là anh Ngô Văn Tây, một ngư dân ở Hòa Hải, Hoài Nhơn, Bình Định. Anh Tây xúc động chia sẻ với chúng tôi rằng, con tàu BĐ 95589 của các anh đang đi ngoài biển thì anh bị đau bụng và mọi người đã đưa anh lên đảo để cấp cứu. Rất may là được các y-bác sĩ ở đây mổ kịp thời nên giờ sức khỏe của anh đã hồi phục.

 

Bác sĩ, Đại úy Lê Văn Lợi khám-chữa bệnh cho bệnh nhân ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Đ.M

Cũng hôm ấy, ngay ở giường bệnh bên cạnh là anh Nguyễn Văn Phi, một ngư dân vừa được đưa đến cấp cứu do bị tai nạn trong quá trình đánh bắt cá ngoài biển. Anh Phi cho biết: “Tôi thấy các bác sĩ nơi đây rất tận tình chăm sóc cho chúng tôi”.

Trong năm 2014, Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã thực hiện việc khám, cấp cứu và điều trị cho trên 1 ngàn lượt người bệnh, trong đó có trên 200 lượt là ngư dân; có 12 ngư dân được cấp cứu kịp thời. Riêng về mổ ruột thừa thì Bệnh xá đã thực hiện được 12 ca. Đại úy Lê Văn Lợi cho biết: Ở Bệnh xá đảo Song Tử Tây có 2 bác sĩ, 5 y tá đến từ Bệnh viện Quân đội 108, ngoài ra còn 1 đồng chí quân y của Lữ đoàn 146. Anh em xác định rõ nhiệm vụ ở đảo này vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng cũng là một vinh dự cao cả của một chiến sĩ quân y.

Tại đảo Sơn Ca, chúng tôi đã gặp những y-bác sĩ của Bệnh viện 91, Quân khu 1. Vừa vượt hải trình đầy gian nan từ đất liền tới đảo, Đại úy Nguyễn Minh Phú cho biết: “Lần đầu tiên tôi được ra đảo với cảm giác khó có thể tả được. Sau một hành trình dài rất vất vả nhưng bước chân lên đến đảo thì mọi mệt mỏi đều tan biến. Chúng tôi sẽ cố gắng để có thể xử lý được tất cả các loại bệnh và các tình huống có thể xảy ra, chăm sóc tốt sức khỏe cho đồng đội và ngư dân”.

Ở quần đảo Trường Sa với các bệnh xá lớn như đảo Song Tử Tây (kíp trực của Bệnh viện 108), đảo Trường Sa Lớn (kíp trực của Bệnh viện 175), đảo Nam Yết (kíp trực của Bệnh viện 103), đảo Sinh Tồn (kíp trực của Bệnh viện 354)… đều có các đội ngũ quân y (từ 7 đến 8 người) đảm nhiệm. Các bệnh xá đều được trang bị các thiết bị cơ bản như: siêu âm, điện tâm đồ, máy thở… Họ có thể mổ ruột thừa, điều trị chấn thương và một số bệnh nội, ngoại khoa. Các bệnh xá này còn có nhiệm vụ tiếp nhận các ca bệnh ở các đảo cấp 2, cấp 3, và nhân dân, ngư dân gặp bệnh tật, tai nạn trong quá trình tham gia đánh bắt hải sản trong vùng biển quần đảo. Đặc biệt ở Bệnh xá đảo Song Tử Tây và một số đảo lớn, hệ thống khám bệnh từ xa vừa được lắp đặt đã có thể hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh xá kịp thời từ đất liền.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn về phương tiện vật chất, chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhưng các bác sĩ mặc áo lính ở quần đảo Trường Sa luôn là chỗ dựa vững chắc, đảm bảo sức khỏe cho quân, dân vùng biển Đông của Tổ quốc.

Đức Mạo

Có thể bạn quan tâm