Thời sự - Bình luận

Nỗi niềm nhà khoa học khóc vì lương 3 triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng chi phí cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chỉ bằng chưa tới 0,6%GDP, tức là khoảng 20.000 tỷ mỗi năm, tương đương mức đầu tư cho một hai cái tượng đài. Nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, lẽ ra nhà khoa học phải được đầu tư xứng đáng để tạo nên sự lớn mạnh đột phá cho nông nghiệp, nông thôn nước nhà.

Cuộc sống vốn có sự éo le, khoa học dù có "sáng như ban ngày" thì cũng có góc khuất như câu chuyện về nhà khoa học trẻ - Hồ Thị Thương (Viện Công nghệ sinh học) là một ví dụ. Chị Thương là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín. Chị có khát vọng "được đóng góp và cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển khoa học của nước nhà, đồng thời, mang đến cho nước nhà những sản phẩm vaccine thú y có hiệu quả, ứng dụng tốt trong tương lai". Nhưng, mức lương 3 triệu đồng/tháng – làm chị buồn đến bật khóc, vì không có nhiều tiền gửi về đỡ đần bố mẹ làm ruộng ở quê.

Câu chuyện ám ảnh người nghe, hằn lên như một vết thương chưa lành bởi "3 không": Nhà làm chính sách  không muốn làm chính sách vì mức thù lao như "bèo". Nhà đầu tư không muốn đầu tư, bởi nông nghiệp chi phí lớn, rủi ro cao. Người nông dân không muốn con cháu mình lớn lên lại làm nghề nông nghiệp, bởi nông nghiệp nghèo!

Giữa các khoảng trống "3 không" ấy, nhà khoa học và khoa học nông nghiệp Việt Nam bị kẹt giữa hai thị trường lớn: Có tiền thì mua, nhập công nghệ chất lượng cao, của Israel, Hàn, Nhật, Mỹ, Đức. Ít tiền thì mua, nhập công nghệ từ Trung Quốc láng giềng. Thế là khoa học, nhà khoa học nông nghiệp đều "nhàn nhã" trong cơ chế thị trường, có tiền thì có công nghệ, tiền nào thì công nghệ ấy! Kinh tế khoa học, người làm khoa học giống như ngọn nến: Tạo ánh sáng cho người khác, nhưng cũng tự đốt cháy mình.

Nhớ cách đây gần chục năm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Khoa học- Công nghệ, tổ trưởng tổ biên tập Dự án Luật Khoa học công nghệ đã có câu nói để đời: Cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học buộc người ta nói dối, chấp nhận cho người ta nói dối và khuyến khích người ta nói dối. Vì sao? vì cả nền khoa học, công nghệ nước nhà hàng năm "ngửa tay, mỏi mồm" để được hơn 2% tổng chi ngân sách nhà nước, có nghĩa chưa tới 0,6% GDP, có nghĩa chỉ khoảng 20 ngàn tỷ mỗi năm, tương đương mức đầu tư cho một, hai cái tượng đài.

Một chế độ tài chính "không theo giá thị trường", khiến các nhà khoa học phải bịa ra báo cáo đề tài, hóa đơn chứng từ, khai khống ăn, ở để có đủ hồ sơ quyết toán. Việc các nhà khoa học lo tiền, để nghiên cứu còn vất vả, khốn khổ hơn cả việc nghiên cứu là một hiện thực. Nhưng có một hiện thực khác còn trái tai, gai mắt hơn nhiều. Đó là nghiên cứu xong ứng dụng thực tế thì ít mà lưu kho thì nhiều.

Lại nhớ nông nghiệp, nông học Việt Nam thời khó khăn, cam go nhất của hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, đã sản sinh ra những nhà khoa học mang tầm vóc thời đại: Giáo sư viện sỹ Bùi Huy Đáp, Viện sỹ Lương Định Của, Giáo sư viện sỹ Đào Thế Tuấn, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Bí thư Tỉnh ủy Kim Văn Nguộc (Kim Ngọc)…

Bằng cách này hay cách khác, các ý tưởng, công trình, giống cây con mới… được nhà khoa học tạo nên và đưa vào cuộc sống đã làm thay đổi cục diện nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, được Đảng, Nhà nước ghi công, được nông dân biết ơn, tạc dạ… Căn nguyên cho sự lớn mạnh của nông nghiệp, nông thôn trong một quốc gia, nằm ở những người tài giỏi, nhân cách cao đẹp mà chúng ta cần phải biết tìm, trân trọng và chăm lo, bảo vệ họ như bảo vệ tài sản của quốc gia. 

 

https://danviet.vn/noi-niem-nha-khoa-hoc-khoc-vi-luong-3-trieu-20201216082932405.htm

Theo Hoàng Trọng Thủy (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm