PGS. TS Nguyễn Khắc Sử: Góc nhìn mới về văn hóa và con người Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
PGS. TS Nguyễn Khắc Sử
Năm 2006, trong khi thi công xây dựng công trình thủy điện Plei Krông (trên sông Krông Pô Kô- Kon Tum), người ta đã khám phá ra một quần thể di tích của người tiền sử nằm sâu dưới lòng đất. Từ đó đến nay, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam do PGS. TS Nguyễn Khắc Sử- Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng phòng Nghiên cứu Thời đại đồ đá chủ trì, đã tiến hành khai quật, nhằm giải mã những bí ẩn của di tích này. Những dấu tích của người tiền sử có niên đại cách đây gần 3.000 năm đã hé mở nhiều điều bất ngờ, thậm chí đi ngược với những quan điểm từ trước tới nay về văn hóa và con người Bắc Tây Nguyên.
Nhân chuyến công tác tại Gia Lai, PGS. TS Nguyễn Khắc Sử đã dành cho P.V Báo Gia Lai một cuộc trao đổi xoay quanh chủ đề thú vị này.
* Thưa PGS. TS Nguyễn Khắc Sử, sau gần 6 năm tiến hành khai quật, khảo cổ di tích lòng hồ thủy điện Plei Krông, ông có thể cho biết vài nét những kết quả sơ bộ tính đến thời điểm hiện tại mà đoàn khảo cổ đã thu được?
- PGS. TS Nguyễn Khắc Sử: Năm 2006, Chính phủ có quyết định cho triển khai, khai quật di tích khảo cổ tại lòng hồ thủy điện Plei Krông do Tập đoàn Điện lực I làm chủ đầu tư. Đơn vị này đã hỗ trợ kinh phí cho việc khai quật cũng như đầu tư xây dựng nhà kho lưu trữ các hiện vật.
Qua khai quật, chúng tôi đã phát hiện có tổng thể 9 di tích và một khối lượng hiện vật khá lớn, bao gồm các di tích lò luyện kim, mộ táng, đặc biệt là mộ nồi gốm, nồi gò úp nhau, các di tích cư trú của con người cùng công cụ lao động bằng đá, đồng, sắt, gốm, đồ trang sức của người nguyên thủy. Hiện nay, các nhà khảo cổ đang lập hồ sơ nghiên cứu, bàn giao các hiện vật cho bảo tàng trưng bày. Kết quả bước đầu có thể ghi nhận, đây là khu vực văn hóa khảo cổ rất đặc sắc.
*  Phó Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể những kết quả quan trọng mà công tác khảo cổ di tích này đạt được?
- PGS. TS Nguyễn Khắc Sư: Ở di tích lòng hồ thủy điện Plei Krông, chúng tôi đã khai quật được tổng thể khoảng 50 mộ táng, bao gồm mộ chum, mộ nồi gò úp nhau… Bước đầu, qua việc mở một số mộ táng, chúng tôi đã nhận thấy nhiều điểm rất đặc thù trong tập tục mai táng của cư dân tiền sử Kon Tum, tiêu biểu là họ có sự chia của rõ ràng. Chứng tỏ, qua người tiền sử Kon Tum đã có những ý niệm rất sâu sắc về thế giới bên kia thông qua việc chôn theo người chết các hiện vật là những loại đồ gốm, các công cụ lao động, rìu đá, đồng, đồ trang sức… Nói chung, người tiền sử ở đây sử dụng những chiếc chum, nồi vò úp miệng vào nhau để làm quan tài. Tuy nhiên, đồ gốm khi chôn theo lại bị đập vỡ đi.
Các di tích khảo cổ đã khai quật ở Tây Nguyên thường rất ít có di cốt người. Năm 2008, chúng tôi phát hiện được ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông có di cốt người tiền sử, mà cụ thể là răng người. Theo nghiên cứu của các nhà nhân chủng học thì các di cốt trên có yếu tố da vàng (môngôlôit). Trước đó có di chỉ Lung Leng. Việc phát hiện tục chôn người trong chum là cơ sở để các nhà khảo cổ đặt ra giả thiết về sự hỏa táng của người tiền sử, bởi dấu tích để lại chỉ còn rất ít răng và không còn xương. Tuy vậy, điều tuyệt vời và may mắn là họ sử dụng những mẩu đá đẽo theo hình dạng xương để chôn theo như một “vật mẫu”, biểu trưng. Đây là cơ sở để chúng tôi có thể phát triển việc nghiên cứu về người tiền sử ở Tây Nguyên.
Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện hàng trăm công cụ lao động bằng đồ sắt, đồ đồng, hàng vạn mảnh gốm. Trong các di vật tìm thấy, riêng các công cụ bằng đá có những dấu hiệu rất gần với di chỉ Lung Leng ở kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao: Cuốc đá, rìu đá, cưa đá, đá gia trọng (dùng tra vào đồ vật cho nặng lên để chọc lỗ) cùng nhiều đồ trang sức: Hạt chuỗi, khuyên tai, vòng tay…
Ngoài đồ đá còn đồ gốm, đồ đất nung, chủ yếu là bình, vò. Đặc biệt, đồ gốm được phát hiện ở đây có trang trí hoa văn rất đẹp, đặc trưng, được tô thổ hoàng, tô đen ánh chì, rất giống với đồ gốm trong di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam…).
Điểm đặc biệt nhất có thể nói đó là đã phát hiện ra 9 di tích có mối quan hệ chặt chẽ với cư dân ở di chỉ Lung Leng, có thể đây có cùng một cộng đồng dân cư tách ra. Đồng thời, đồ gốm phát hiện được lại có những dấu hiệu cho thấy cư dân Kon Tum có mối liên hệ nào đó với cư dân vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Không loại trừ khả năng đây cũng có thể là một trong những nguồn hợp tạo dựng văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam. Không những thế, chúng tôi còn phát hiện nhiều đồ đồng và khuôn đúc đồng, đồ sắt. Riêng đồ đồng có những điểm rất gần với đồ đồng trong văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở Bắc Việt Nam, về hình dáng cũng như kỹ thuật. Như vậy, có thể, cách đây chừng 2.000 năm, những cư dân tiền sử Kon Tum đã có mối quan hệ về mặt kỹ thuật chế tác, khai khoáng, luyện kim… với cư dân văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam.
* Các di tích khai quật được cho thấy cư dân tiền sử nơi đây có sự thu nạp và ảnh hưởng từ hai nền văn hóa lớn là Đông Sơn và Sa Huỳnh. Với kinh nghiệm hơn 20 năm tham gia công tác khảo cổ học trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, ông nhận định như thế nào về điều này?
- PGS. TS Nguyễn Khắc Sư: Điều này cho thấy, họ là cộng đồng người rất năng động, có cơ tầng văn hóa lớn, vững chắc mới có thể giao lưu văn hóa với các khu vực khác. Nhờ được tiếp nhận hai nền văn hóa lớn ở hai đầu, cư dân tiền sử Kon Tum đã tạo dựng được cho mình một cơ tầng văn hóa, một nền văn hóa rất đặc sắc. Đây có thể coi là những hình ảnh bước đầu về những mối quan hệ văn hóa giữa cộng đồng cư dân thời tiền sử trên đất Kon Tum với các nền văn hóa nổi tiếng như Đông Sơn, Sa Huỳnh. Cư dân tiền sử trên đất Kon Tum đã bước vào những nền văn minh và giao lưu văn hóa. Trước đây, người ta cho rằng, Tây Nguyên là vùng bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và luôn luôn khép kín, hoạt động giới hạn trong buôn làng, tập tục… nhưng qua những di vật này, những nhận định trên có lẽ đã không còn hợp lý nữa. Bởi vậy, cần phải có một cái nhìn khác, thậm chí là ngược lại với những gì chúng ta đã từng nghĩ về cư dân tiền sử Kon Tum cũng như vùng Bắc Tây Nguyên.
* Xin cảm ơn ông!
Lê Hòa (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm