(GLO)- Giờ đây, Phở khô Gia Lai đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, là một trong 10 món ngon châu Á và 50 món ngon Việt Nam. Song để phở khô Gia Lai tiếp tục giữ vững danh hiệu và ngày càng nổi tiếng, điều này đòi hỏi những người đã “bén duyên” với phở khô ngày càng phải nâng cao chất lượng món ăn, để mỗi khi du khách thưởng thức thấy được đó là đặc sản chứ không chỉ là quảng bá.
Độc đáo phở khô
“Thương hiệu” Phở khô Gia Lai là đặc sản không chỉ dành riêng cho quán phở nào mà đã trở thành “thương hiệu” chung. Vì thế, từ quán phở hạng sang cho đến bình dân đều lấy chất lượng, sự tận tình, chu đáo và uy tín để thu hút khách riêng cho mình. Do đó, những cái tên, như: Phở khô Hồng, phở khô gà Ngọc Linh, Ngọc Sơn, phở Nữ, phở Hiệp… đã trở thành những cái tên đáng nhớ trong thực đơn điểm tâm của người dân Phố núi cũng như du khách thập phương.
Phở khô là tên gọi của người bản địa tạo nên món ăn này, nhưng nhiều du khách khi thưởng thức xong thì gọi nôm na là phở “hai tô”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ngoài tô phở với các loại gia vị hấp dẫn thì tô nước dùng là thứ không thể thiếu. Những người có kinh nghiệm trong chế biến phở khô cho rằng, muốn có nước dùng ngon, ngọt và trong thì cần phải ninh xương heo và bò trong khoảng 5-7 giờ, chỉ được để lửa liu riu và phải liên tục hớt bọt.
Và để có tô phở khô hấp dẫn, ngoài bánh phở được làm từ gạo loại ngon do các quán tự đặt hàng tại các cơ sở sản xuất thì phía trên còn được bày với một lớp thịt nạc heo băm nhuyễn kèm ít hành phi thơm cùng với ít rau xà lách, húng quế. Cộng với gia vị chanh, giá đỗ hay tương ớt tùy vào khẩu vị của mỗi người, song nhất thiết không thể thiếu là tương đen. Cho tương đen vào tô phở rồi trộn đều lên, thêm chút xì dầu, gia vị là bạn cảm nhận được ngay vị thơm, cay khó quên. Lúc này bạn sẵn sàng thưởng thức hương vị của món ăn này bên cạnh tô nước dùng.
Từ gìn giữ “thương hiệu”…
Chị Nguyễn Thị Bích Hồng- chủ quán phở khô Hồng (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) là con gái thứ tám của ông Nguyễn Thành Mỹ-chủ tiệm ăn Đại Hưng- người đầu tiên “biến tấu” ra món phở khô này từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, cho biết: Nghe ba tôi kể lại, món phở khô này bắt nguồn từ món hủ tiếu Nam Vang. Trước kia, trong sợi hủ tiếu có bột mì nhưng ba tôi đã đề nghị cơ sở sản xuất không cho bột mì vào nữa mà chỉ để nguyên chất là gạo nên sợi phở nhỏ và dai như bây giờ.
Cùng với cách “biến tấu” trong cách làm gia vị và nước phở đã tạo nên món phở khô độc đáo này. Còn chuyện phở khô có thịt bò và xương heo cũng có lý do của nó: Tiệm ăn Đại Hưng đắt khách, hàng ngày phải trực tiếp sát sinh vài chục con gà, ba tôi khuyên con cái không làm phở gà nữa, chuyển qua làm phở bò, phở heo cho đỡ “mang tội”. Rồi từ đó, phở khô tái bò, phở khô tái xương cũng được công chúng ủng hộ.
Nhờ cái hương vị lạ, độc đáo, không làm khách dùng thấy ngấy sau mỗi lần ăn nên từ các đường phố lớn cho đến ngõ hẻm, ở các huyện, xã, vùng sâu, vùng xa đâu đâu du khách cũng dễ bắt gặp những quán phở khô. Phở khô Gia Lai cũng rất hợp túi tiền cho cả kẻ giàu người nghèo, tùy vào quán hạng sang cho đến vỉa hè, giá đắt nhất là 40.000 đồng/tô, (rẻ) bình dân là 12.000 đồng-20.000 đồng/tô.
…Đến tôn vinh một phong vị ẩm thực
Bà Huỳnh Thị Mỹ Linh-chủ quán phở Ngọc Linh (số 46-Phan Bội Châu-TP. Pleiku), cho rằng: “Để tôn vinh “thương hiệu” Phở khô Gia Lai tôi mong muốn tất cả các quán phở trên địa bàn tỉnh cùng nhau đưa món ăn này ngày càng ngon hơn. Biết rằng, trong quá trình “biến tấu” mỗi quán có một công thức riêng nhưng tôi nghĩ quán phở nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc chung là tất cả nguyên liệu tạo nên một tô phở đều phải có nguồn gốc, đảm bảo không chất bảo quản, an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Với riêng quán phở của gia đình tôi thường ký kết với cơ sở cung cấp nguyên liệu phải đảm bảo an toàn thực phẩm, nếu phát hiện chất bảo quản có trong thực phẩm thì cơ sở sản xuất phải bồi thường cho quán chúng tôi từ 100 triệu đồng trở lên…”.
Còn chị Nguyễn Thị Bích Hồng- chủ quán phở khô Hồng thì nói: “Ba tôi giờ không còn nữa nhưng với lòng yêu nghề, món phở khô bò tôi đã “biến tấu” để nó ngày càng lạ, độc đáo và ngon hơn. Gia đình tôi có 8 anh, chị em thì quá nửa số đó ai cũng mê món phở này và đã chọn nghề nấu phở để mưu sinh. Để ba tôi nơi suối vàng ấm lòng, gia đình tôi đã hoàn tất các thủ tục gửi lên Cục Sở hữu Trí tuệ đề nghị công nhận Bảo hộ thương hiệu độc quyền cho sản phẩm Phở khô Hồng. Kết quả chính thức sẽ được Cục Sở hữu Trí tuệ thông báo vào đầu năm 2013-đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Lúc đó sản phẩm Phở khô Hồng đầu tiên ở Gia Lai được bảo hộ thương hiệu độc quyền”.
Tôn vinh thương hiệu Phở khô Gia Lai không chỉ là sự nỗ lực của cá nhân mà các ngành quản lý cũng đã tập trung quảng bá. Mới đây, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với các ngành chuyên môn và đại diện 16 cơ sở bán phở khô tiêu biểu trên địa bàn TP. Pleiku tổ chức họp bàn kế hoạch và phương hướng quảng bá thương hiệu Phở khô Gia Lai.
Với sự nỗ lực của các cơ sở và cấp quản lý, hy vọng Phở khô Gia Lai sẽ được tôn vinh và gìn giữ, sao cho mỗi du khách khi đến với Phố núi đều không quên được một phong vị ẩm thực độc đáo đã vinh dự được định danh trong top 15 món ngon châu Á.
Hà Tây