Thời sự - Bình luận

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.

Như vậy, Đà Nẵng là địa phương thứ 2 sau TP HCM được Quốc hội chấp thuận việc thành lập Sở ATTP. Trước đó, Sở ATTP TP HCM đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2024.

Trước khi chính thức thành lập Sở ATTP, TP HCM đã triển khai mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP TP HCM, kết hợp lực lượng từ 3 sở (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ năm 2017 (TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh cũng thí điểm triển khai mô hình Ban Quản lý ATTP trong năm 2017 - NV). Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của TP HCM và tình hình thực tiễn của địa phương.

Qua những kết quả đạt được sau quá trình thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP, việc xây dựng một cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về ATTP nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành là hết sức cần thiết.

Báo cáo của 3 ban quản lý ATTP tỉnh, thành phố cho thấy qua những nỗ lực hoạt động, các ban quản lý ATTP đã chủ động, kịp thời trong xử lý sự cố về ATTP, điều tra ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn; hiệu quả trong giám sát các mối nguy để cảnh báo cho cộng đồng. Việc tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh chồng chéo giữa các ngành, các cấp… Giải quyết thủ tục hành chính được tập trung một đầu mối cũng tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Tại TP HCM, từ năm 2017 đến tháng 9-2023 có 376.517 cơ sở được kiểm tra, trong đó phát hiện vi phạm tại 58.562 cơ sở, xử phạt 17.320 cơ sở với số tiền hơn 181 tỉ đồng. Tại TP Đà Nẵng, từ năm 2018 đến 2021 đã kiểm tra 7.404 cơ sở, xử phạt hành chính 192 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Tại Bắc Ninh, từ tháng 4-2018 đến tháng 9-2023 đã xử phạt vi phạm hành chính 395 cơ sở với tổng số tiền hơn 2,6 tỉ đồng.

Thành lập các sở ATTP đã tạo địa vị pháp lý vững vàng hơn, thuận lợi hơn trong hoạt động song đòi hỏi các sở nỗ lực hơn để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP HCM, trong năm 2024 sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống thực phẩm bẩn và xây thực phẩm sạch, đẩy mạnh liên kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM và các tỉnh để bảo đảm thực phẩm sạch từ nguồn, cùng các doanh nghiệp phát triển bền vững thực phẩm sạch tìm được đầu ra, thị trường ổn định tại TP HCM; sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phân phối thực phẩm.

Với mô hình phù hợp, ắt hẳn hiệu quả sẽ cao hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đời sống nhân dân, để mỗi bếp ăn gia đình đều bảo đảm ATTP. Đó là mục tiêu quan trọng nhất mà người dân TP HCM và Đà Nẵng kỳ vọng ở các sở ATTP.

Có thể bạn quan tâm