Thời sự - Bình luận

Rượu, cha chết, con tù tội và những thảm cảnh gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nát rượu gây ra không biết bao nhiêu thảm kịch gia đình, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Trong nhiều vụ án hình sự từ rượu, không thiếu những bản án mà chồng mang tội giết vợ, vợ giết chồng, cha giết con, con giết cha.

Ngày 11.3, Công an tỉnh Bình Phước tạm giữ hình sự đối với B.X.K (16 tuổi, ngụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) để điều tra làm rõ.

Nạn nhân tử vong trong vụ án là ông B.V.Đ (41 tuổi, cha ruột của B.X.K). Ông Đ là người thường xuyên say xỉn, đánh đập con trai mình. Khoảng 21h ngày 8.3, sau khi đi nhậu về, ông Đ tiếp tục đánh đập con trai, "tức nước vỡ bờ", K chống cự lại. Hai bên giằng co làm đổ tủ lạnh, đá văng ra ngoài, K dùng đá ném vào đầu ông Đ nghi là đã gây ra cái chết. K có là thủ phạm giết cha hay không các cơ quan tố tụng sẽ điều tra làm rõ, xử phạt theo quy định của pháp luật. Pháp lý thì đã rõ, nhưng đạo lý không dễ tỏ tường.

Trong trường hợp này, K không như những bị can từng có hành vi giết người vì lên cơn người ngáo đá, say rượu, ăn cướp. K có hành vi phản kháng, đánh lại cha mình nhưng K chính là nạn nhân của vụ án chứ không phải là cha của cậu. Hãy nhìn vụ án từ bản chất, từ những câu chuyện xảy ra trước đó, và cái ngày xảy ra vụ án chỉ là đến lúc bi kịch một gia đình phải kết thúc.

K chỉ mới 16 tuổi, cha và mẹ ly hôn, trước tiên cậu là nạn nhân của sự đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ. Về ở với cha, lại bị cha suốt ngày say rượu đánh đập, hành hạ. Không có mẹ bên cạnh, thiếu sự chăm sóc của mẹ, lại nhận toàn sự cay nghiệt và ác độc của một người cha nghiện rượu. Một thiếu niên rơi vào hoàn cảnh này khó có sự phát triển tâm lý bình thường.

Những chấn thương tâm lý từ xung đột của cha mẹ, nhất là tổn thương thể xác do bị người cha hành hạ, đã dẫn đến những phản ứng mất kiểm soát khi cha đánh đập, và án mạng đau lòng đã xảy ra.

Nếu K có một gia đình êm ấm thì có phản ứng như vậy không, chắc chắn là không.

Nếu K có người cha, cho dù đã ly hôn, vẫn nuôi dạy đứa con trai đàng hoàng như những người cha bình thường khác, K sẽ không có hành vi bạo lực với người khác, nói chi người đó là cha mình. Rồi đây K có giết người hay không cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Nếu có, K sẽ bị sự trừng phạt của pháp luật, nhưng ghê gớm hơn, khủng khiếp hơn là sự trừng phạt của một nỗi ám ảnh. Nỗi ám ảnh giết cha.

Từ vụ án này và những vụ án xuất phát từ gia đình khác, cho thấy nếu các bậc cha mẹ không tự bảo vệ gia đình mình thì không có tổ chức xã hội hay tôn giáo nào bảo vệ được, không dạy dỗ con cái mình, thì không có bất cứ trường học nào dạy được.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ruou-cha-chet-con-tu-toi-va-nhung-tham-canh-gia-dinh-888136.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm