“Sống giữa mọi người không ngại ngần”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói đến Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm là nói đến một nghệ sĩ sôi nổi nhiệt tình với cách mạng và với văn hóa nghệ thuật. Tính cách đặc biệt đó của ông, dù chỉ gặp một lần cũng khó mà quên.
Không phụ công người khó nhọc

Trời se lạnh và gió từng cơn. Trụ sở UBND phường Đống Đa- TP. Pleiku ánh điện lúc tỏ lúc mờ. Đám đông tụ tập trước nhà rông văn hóa trong khuôn viên trụ sở UBND phường, xem đội văn nghệ Plei Kép luyện tập. Một người đàn ông khá vạm vỡ, nước da đen sạm nhưng rắn chắc, chiếc mũ len trùm kín tai, kiên nhẫn hướng dẫn từng động tác cho diễn viên: Kiễng chân, bước đi, đeo gùi, lấy nước, sàng gạo... Người thầy ưỡn ngực, khoát tay khoái trá khi thấy diễn viên tiếp thu nhanh, đúng, lại phật lòng, lúng túng khi họ “chậm chạp” bối rối. “Này, này, người Tây Nguyên mang gùi nặng dáng đi hơi chúi về phía trước, lưng hơi còng, cái mông cong lên, nhưng ngực ưỡn ra là sai rồi”- ông la lên. Người xem cười ồ, cả diễn viên nữa, nhưng rồi họ thấy mắc cỡ, biết không đáng phải cười. Người đội gió, đội rét mê say tập luyện, hướng dẫn truyền nghề đó chính là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Y Brơm- một tên tuổi trong làng nghệ thuật múa và văn hóa Tây Nguyên.

Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm (trái) hướng dẫn thiếu niên Plei Kép học múa. Ảnh: TS
Buổi “lên lớp” đó của NSND Y Brơm cho đám trẻ Plei Kép là để kịp tham dự liên hoan văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số TP. Pleiku. Các diễn viên hình như vừa mới từ cánh đồng về, từ vườn cà phê ra, lấm lem, mệt mỏi, song vẻ háo hức đã khỏa lấp đi tất cả. “Còn vắng ai nữa? Nao đâu? Trống đâu? Panh, Jit đâu, sao giờ chưa thấy tới?”- Y Brơm giục. Khi đã tập hợp đông đủ, ông yêu cầu từng người nhắc lại bài tập hôm qua, vị trí của mình, rồi lại tiếp tục hướng dẫn. Hôm nay, diễn viên cứ lúng túng với động tác vừa xoay tròn vừa nhảy mà tay không được vung ra, lại còn xếp đội hình chéo, tập dựng biểu tượng đông người, mỗi người một tư thế, khó ơi là khó! “Tới chỗ nào rồi, bắt đầu, lại, lại”- Y Brơm không thôi hối thúc.

Y Brơm nhiệt tình và quyết liệt, thể hiện rất rõ trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Ông không ngần ngại trước khó khăn, gai góc. Nhiều người còn nhớ hình ảnh ông đứng ngăn chặn những người bị kẻ xấu kích động lôi kéo biểu tình chống chính quyền hồi năm 2001. Ông bị kẻ xấu và những kẻ quá khích khống chế, bị đánh thương tích phải nằm viện điều trị dài ngày. Đã nổi tiếng vì tài năng, giờ ông lại nổi tiếng vì đứng ra ngăn chặn âm mưu bạo loạn. Nhưng theo ông, việc làm hôm ấy là chuyện hết sức bình thường. Bây giờ  ông hãy còn buồn. Bà con tốt nhiều, kẻ xấu ít, vậy mà ông không thuyết phục được họ... Trong ông, sự cảm thông, tình thương đồng bào mình, dân tộc mình, nặng lắm!

Sự nghiệp nghệ thuật vẻ vang

Ở miền Bắc, cuối năm 1955, Y Brơm được tuyển vào đoàn văn công Tây Nguyên cùng với H’Ben, H’Win, Siu Phích.., được các thầy giáo giỏi như Thái Ly, chuyên gia Chu Huệ Đức (CHDCND Triều Tiên) hướng dẫn. Năm ấy, Đoàn Văn công của ông có vinh dự biểu diễn cho Bác Hồ xem trước khi đi biểu diễn ở nước ngoài. Ông tham gia tiết mục “Múa trống Tây Nguyên”. Dứt tiết mục, sau khi vỗ tay khen hay, Bác Hồ rút mấy bông hoa đem tặng nữ diễn viên Bích Thảo, nam diễn viên Xuân Minh và Hoàng Phi Long. Biết biên đạo là Y Brơm, Bác khựng lại một thoáng rồi vỗ vai ông, nói: “Giỏi lắm, sau này cháu về dạy lại cho dân tộc mình nhé”. Lời Bác giản dị, nhẹ nhàng nhưng đã thành phương châm hoạt động nghệ thuật của đời ông, tiếp thêm cho ông nghị lực và sức mạnh để sáng tạo thêm nhiều tác phẩm giá trị. Hơn 50 năm lao động, cống hiến, ông đã dàn dựng hàng trăm tiết mục, hơn 30 tác phẩm đoạt huy chương vàng trong các hội diễn chuyên, không chuyên; chùm 3 tiết mục: Múa trống Tây Nguyên, Múa khiên, Giã gạo dưới trăng vinh dự đạt giải thưởng Nhà nước. Và cùng với Thái Ly, Phùng Thị Nhạn, ông là một trong 3 nghệ sĩ múa Việt Nam đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1984. Sau này khi đã chuyển sang làm quản lý, ông vẫn say mê nghiên cứu nghệ thuật múa, hãnh diện vì nó. Ông còn tham gia làm giám khảo các hội thi hội diễn, các sự kiện văn hóa quan trọng. Về hưu, ông vẫn đắm say với múa.

Khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Y Brơm vô cùng phấn khởi và tự hào. Được mời làm chuyên gia tư vấn, dàn dựng chương trình, đêm ngày ông nghĩ suy làm sao để có một chương trình, tiết mục thể hiện cho được hồn cốt cồng chiêng Tây Nguyên. Tiết mục do ông làm biên đạo có sự góp mặt của trên 400 diễn viên và nghệ sĩ đã làm cho buổi vinh danh cồng chiêng Tây Nguyên vô cùng sôi nổi, hào hứng. Vận trang phục Bahnar truyền thống, ông xuất hiện khắp nơi, chỉ đạo chỗ này, kêu gọi chỗ kia, khi đội cồng chiêng, khi đoàn múa xoang, diễn trò. Ông như một thanh nam châm có sức hút mạnh mẽ khiến mọi người hưởng ứng làm theo, tạo thành những con sóng hứng khởi mãnh liệt, trào dâng cảm xúc. Tiết mục kết thúc, sự kiện kết thúc, với vẻ mặt rạng ngời, giọng nói khàn đặc, có lẽ ông là một trong những người mãn nguyện và hạnh phúc nhất đối với sự kiện có một không hai này.

Gắn bó cùng văn hóa Tây Nguyên

Từ nội thành, Y Brơm lại chuyển ra Plei Kép đã 7 năm nay. Xa quê (xã Đê Ar- Mang Yang)  từ nhỏ, học tập và trưởng thành ở miền Bắc, về công tác rồi ở luôn trên tỉnh, có lẽ ông đến với Plei Kép như là một sự trở về với quê xưa? Không hẹn mà gặp, ở Plei Kép còn có gia đình nghệ sĩ- Nhà giáo Ưu tú Măng Ngọc- nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; Nhà giáo Ưu tú Lưu Ô Ynôm- nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy (hiện là Bí thư làng Kép); Nhà giáo Ưu tú Ksor Hyin- Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo.

Gắn bó với Plei Kép, Y Brơm có điều kiện khám phá ra nhiều điều. Người Plei Kép nổi tiếng tài hoa, đàn hay múa giỏi. Trước đây, phụ nữ trong làng không được lên nhà rông, không được chơi đàn goong, cồng chiêng, nhưng nay “theo đời sống mới nên họ được chơi, lại còn chơi hay chẳng kém cánh đàn ông và đám thanh niên”- Y Brơm xác nhận. Đội cồng chiêng của làng thuộc hàng “đội mạnh”: 25- 30 người chơi cồng chiêng, 20- 25 người xoang múa, chia làm 2 “lớp”: Lớp thanh niên và lớp của người già. Như một sự tiếp nối, không kể người có tuổi, thanh niên thanh nữ, cả đám con nít cũng mê T’rưng, goong, K’ni, Klông Put và đặc biệt là cồng chiêng.

Tuy nhiên trước sự “xâm thực” ngày càng mạnh mẽ của văn hóa đô thị, Plei Kép đang đứng trước nhiều thử thách. Theo Y Brơm, ngành Văn hóa đã có chế độ tài trợ cho các nghệ nhân, nhưng cần hơn là duy trì tổ chức các hội diễn, liên hoan để bảo tồn, phát hiện và phát triển văn hóa dân tộc bản địa. Khuyến khích phát triển văn hóa văn nghệ dân tộc thiểu số, xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, động viên khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích. Xây dựng thiết chế văn hóa, nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trang bị mua sắm cồng chiêng, phương tiện hoạt động gắn với đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đối với các thiết chế này. Cuối cùng là quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

“Còn gì nữa không?”- Y Brơm chợt hỏi, làm tôi giật mình!
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm