Sống với nghề bằng một chữ “Tâm”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi sáng người ta vẫn thấy người đàn ông đứng tuổi, tóc húi cua, để râu rất “ngầu” đi chiếc xe tay ga đời cũ ghé quán cóc bên góc ngã tư đường Hoàng Văn Thụ-Hùng Vương (TP. Pleiku) uống tách cà phê, sau đó lại lặng lẽ trở về với công việc thường nhật là dạy vẽ, sáng tác. Anh là họa sĩ Lê Hùng…

“Con đường đau khổ”

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cố đô Huế, năm 1976, Lê Hùng thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Năm 1980 ra trường, chàng họa sĩ trẻ được điều về Ty Thông tin-Văn hóa Gia Lai-Kon Tum (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Năm 1985, Lê Hùng đi tăng cường tại huyện Chư Sê. Bây giờ nhìn lại cái thời “tăng cường” ấy, hẳn nhiều người vẫn chưa thể cắt nghĩa hết sự “phi lý” trong việc sử dụng cán bộ. Lê Hùng đã xin thôi việc trong lúc có khá nhiều người bỏ việc vì sự “phi lý” ấy…

Lê Hùng bên tác phẩm “Giao cảm” tại trại sáng tác Đà Lạt.
Lê Hùng bên tác phẩm “Giao cảm” tại trại sáng tác Đà Lạt.

Những năm 80 của thế kỷ trước, vào ngày Tết, cái thú vui gần như duy nhất của người Phố núi là… rủ nhau đi chụp ảnh. Mà phong cảnh số một ở Pleiku lúc ấy chỉ là Nhà Lưu niệm Bác Hồ. Trong số các “phó nháy” đua nhau chèo kéo khách, người ta thấy một gã “phó nháy” đầu đội  mũ bê rê, tay cầm chiếc máy hiệu YASHICA “tả xung hữu đột”, nheo nheo nháy nháy…

Có điều lạ là chẳng ai để ý đến cái “công nghệ” cổ lỗ sĩ ấy. Trái lại, anh ta khá lắm khách. Một nhà báo lúc bấy giờ phải bán lứa heo mới sắm được chiếc máy hiệu YASHICA chụp ảnh dạo ngày Tết. Chụp 10 kiểu đã hỏng hết 4. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh T.P. bấy giờ còn làm nghề phóng ảnh bảo: “Cũng loại máy như mày, sao Lê Hùng nó chụp ngon thế. Đến mà học nó vài “chiêu”. Giá mà… ngày nào cũng Tết, có khi gã ta làm giàu được thật. Khổ nỗi nó chỉ có… 3 ngày. Hết Tết, người ta lại thấy gã ta bươn chải kiếm sống bằng kế mở xưởng vẽ quảng cáo, kẻ biển số nhà, làm cả biển số xe cho những ai có nhu cầu…

Chẳng biết rồi gã có trở thành… họa sĩ được không nếu cái thời ấy cứ kéo mãi đến bây giờ? Năm 1992, bấy giờ đất nước đã đổi mới. Con đường vào đại học cũng rộng mở với nhiều sĩ tử. Kiến trúc trở thành ngành “hot”. Lê Hùng mở lớp dạy hội họa cho các sĩ tử luyện thi đại học. Có ai ngờ công việc “gõ đầu trẻ” lại “kiếm ăn” được. Chẳng phải Lê Hùng là người đầu tiên nghĩ ra “chiêu”. Sự tận tâm mà hiệu quả thực tế là rất nhiều sĩ tử vào “lò” Lê Hùng đỗ đại học kiến trúc. Làm được nhà to, nuôi được vợ con, bạn bè ai cũng ngạc nhiên và mừng cho “ông đồ”.

Tuy nhiên cũng có kẻ mỉa thầm “Thì cũng đến vậy là cùng”. Ít ai biết niềm đam mê nghệ thuật chưa bao giờ vơi cạn trong Lê Hùng. Ngay cả những thời điểm sinh kế Lê Hùng vẫn âm thầm sang tác. Năm 1995, tác phẩm “Lời tỏ tình” được trưng bày tại triển lãm toàn quốc ở Hà Nội. Thành công bước đầu đã khích lệ mạnh mẽ niềm đam mê sáng tạo của chàng họa sĩ trẻ. Một loạt tác phẩm lần lượt ra đời: Trời và đất, Điệp khúc, Hoa và lá, Miền khát, Tiếng đàn, Khát vọng Bazan, rồi Lãng du, Im lặng của màu, Dưới bóng nhà sàn… Năm 1996, Lê Hùng được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam và cũng là người thứ hai sau 36 năm- kể từ khi cây đại thụ của hội họa Tây Nguyên là họa sĩ Xu Man được kết nạp hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1997, Lê Hùng quyết định tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Gia Lai và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Được sự khích lệ của họa sĩ Xu Man, Lê Hùng vừa sáng tác vừa cùng với các họa sĩ Trần Quang Lực, Xuân Thu xây dựng phong trào mỹ thuật Gia Lai. Từ các lớp dạy vẽ, Lê Hùng đã phát hiện và dìu dắt những mầm non nghệ thuật từ những nét cọ vỡ lòng. Nhiều lớp học sinh đã thành đạt trong cuộc sống và trở thành những kiến trúc sư, những kỹ sư đồ họa tài năng như: KTS. Vũ Tuấn Cường, KTS. Nguyễn Công Duy, KTS. Trần Trung Hiếu, họa sĩ đồ họa Lê Thanh Tùng…

Luôn khám phá để là… chính mình

Họa sĩ Lê Hùng tâm sự: “Nói cho chính xác, hội họa với mình chưa thực sự là nghề, nhưng ít ra một phần cuộc đời mình đã sống bằng con đường dạy học và sáng tạo hội họa nên mình tạm gọi là nghề”. Nhiều khi ngẫm thấy không hợp lẽ nhưng trong một chừng mực nào họa sĩ Lê Hùng đã đúng. “Anh là thầy giáo của nhiều thế hệ học trò thành đạt nhưng lại không có một lời phê hay một chữ ký xác nhận trong học bạ của học trò mình, bởi lẽ đơn giản họa sĩ Lê Hùng chỉ dạy… “cua”! Điều đáng quý ở anh là việc tay trái lại nuôi nghề”- KTS. Lê Văn Hà nhận xét.

“Nụ hôn” tranh sơn dầu của Lê Hùng.
“Nụ hôn” tranh sơn dầu của Lê Hùng.

Nhiều bạn bè vẫn nhận xét về Lê Hùng rằng ông luôn khát vọng song hành được dạy học và vẽ. Dạy học là thêm một lần tự học, vẽ để thực sự là mình trong đam mê khao khát đi tìm cái chân-thiện-mỹ và trả ơn cho mảnh đất duyên nợ này… Sáng tác về đề tài Tây Nguyên không riêng một Lê Hùng, thậm chí có thời nó đã như một thứ mốt thời thượng nhưng rồi đọng lại chẳng nổi mấy người. Lê Hùng không bao giờ coi đề tài Tây Nguyên là một thứ “mốt” để gây sự chú ý của ai đó. Ông vẽ về nó vì cảm hứng sáng tạo của mình là “nó”.

Lê Hùng trung thực với văn hóa Tây Nguyên bằng bút pháp của hội họa hiện đại. Tranh Lê Hùng chắc khỏe trong từng gam màu; thủ pháp nghệ thuật mang đậm tính nghệ thuật dân gian truyền thống Tây Nguyên mà ông đã sống, gắn bó và am hiểu. Đó chính là nguyên nhân mà Lê Hùng thành công với 16 lần triển lãm tầm khu vực và đạt 7 giải thưởng.

Riêng năm 2011 được đánh giá là một năm ghi dấu thành công của họa sĩ Lê Hùng: Giải nhì Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam; tác phẩm “Giao cảm” được Hội đồng Nghệ thuật Trung ương mua lưu trữ vào bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam sau trại sáng tác Đà Lạt 9-2011. “Bén duyên tình cờ trên mảnh đất đầy nắng, gió, nghiệm ra văn hóa Tây Nguyên đã trở thành nỗi ám ảnh và quyến rũ mình cả một đời. Nghĩa vụ của mình là phải làm gì để trả nợ mảnh đất này”- anh tâm sự…

Có một điều thật ngẫu nhiên là cả 3 người con của ông đều theo nghiệp bố. Con gái đầu là họa sĩ  Lê Nguyễn Thảo My đã trở thành hội viên trẻ nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cả hai cha con cũng đã có cuộc triển lãm chung “Cha và con” để lại dấu ấn khá thành công vào năm 2007.

Nhận xét về tranh của Lê Hùng, Tiến sĩ Ngô Văn Doanh- Viện nghiên cứu Nghệ thuật Đông Nam Á, khẳng định: “Tranh Lê Hùng không hẳn trừu tượng, cũng không hẳn hiện thực mà là trừu tượng ở cái thực và thực trong tầm suy tư trừu tượng của tác phẩm. Vì thế, tranh của Lê Hùng gợi cho người xem suy tưởng đến những ý niệm chứ không tả một đối tượng cụ thể nào nhưng không hề siêu thực”.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm