Biển đảo Việt Nam

Tâm huyết nghiên cứu giáo dục kiến thức biển đảo cho học sinh tiểu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với đề tài "Giáo dục kiến thức biển - đảo cho học sinh tiểu học qua bộ môn Tự nhiên - Xã hội", nữ sinh viên Phan Minh Nhựt (sinh viên năm thứ 2, khoa Giáo dục mầm non - Tiểu học, Đại học Quy Nhơn, Bình Định) đã đoạt giải Bài nghiên cứu xuất sắc về biển Đông năm 2014 do Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông tổ chức.
 

 

Sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Quy Nhơn, từ bé Phan Minh Nhựt đã gắn bó, gần gũi với biển đảo quê hương. Vốn rất quan tâm đến các vấn đề biển đảo trong thời gian qua, nên khi biết tin về giải thưởng Nghiên cứu về biển Đông, Nhựt đã quyết định tham gia. Được sự động viên, hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Tường Loan, Nhựt đã nghiên cứu và viết đề tài “Giáo dục kiến thức biển - đảo cho học sinh tiểu học qua bộ môn Tự nhiên - Xã hội". Đề tài gồm ba chương: Những vấn đề chung về tình hình biển đảo Việt Nam; khái quát tình hình thực tế tranh chấp trên biển Đông; đưa giáo dục kiến thức biển đảo vào chương trình cho học sinh tiểu học qua môn học Tự nhiên - Xã hội.

Nói về quá trình nghiên cứu đề tài, nữ sinh viên Phan Minh Nhựt cho biết: Ban đầu, khi đọc tài liệu, Nhựt khá lo lắng vì đây là một đề tài rất sâu và rộng. Nhưng càng tìm hiểu, Nhựt càng bị cuốn hút và quyết tâm hoàn thành đề tài. Ngoài tài liệu được cô giáo hỗ trợ, Nhựt còn tìm thêm nhiều nguồn tin trong các sách báo chính thống, nhằm có cái nhìn tổng thể, toàn diện và chính xác về đề tài quan trọng này. Sau nhiều nỗ lực, viết đi viết lại nhiều lần, Nhật đã hoàn thành đề tài và gửi đi dự thi.

Cô giáo Nguyễn Thị Tường Loan- người hướng dẫn Nhựt làm đề tài chia sẻ, thấy sinh viên của mình đam mê tìm hiểu và quyết tâm thực hiện đề tài này, cô đã rất vui và hết lòng giúp đỡ em. Nhựt là một sinh viên năng động, thông minh và chịu khó nên cô Loan rất tin tưởng ở Nhựt.

Cuối tháng 3-2015, Nhựt ra Hà Nội bảo vệ đề tài tại Giải thưởng Nghiên cứu về biển Đông 2014. Cô sinh viên Phan Minh Nhựt là tác giả trẻ tuổi nhất đã tự tin trình bày và phản biện thuyết phục trước Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực biển Đông và đã giành một trong ba giải Bài nghiên cứu xuất sắc.

Giải thưởng Nghiên cứu về biển Đông 2014 dành cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có công trình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến biển Đông từ các góc độ giáo dục, lịch sử, pháp lý, quan hệ quốc tế, kinh tế… Giải nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu về biển Đông trên toàn quốc; phát hiện các tài năng trẻ đam mê nghiên cứu về biển Đông để tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thúc đẩy hợp tác về hòa bình, phát triển ở biển Đông.

Đề tài “Giáo dục kiến thức Biển - đảo cho học sinh tiểu học qua môn Tự nhiên - Xã hội” của Nhựt dài gần 80 trang, gồm tiểu luận và tranh, ảnh minh hoạ. Ở phần tiểu luận, sau khi giới thiệu về biển đảo Việt Nam, vấn đề chủ quyền biển đảo trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay, đề tài đã đi sâu bàn các cách thức khai thác, truyền đạt kiến thức biển đảo cho học sinh tiểu học qua một môn học cụ thể là Tự nhiên - Xã hội. Bài viết thể hiện thái độ chính trị tích cực, niềm say mê nghiên cứu khoa học của một sinh viên ngành sư phạm giáo dục tiểu học với vấn đề Biển Đông.

Theo Phan Minh Nhựt, việc đưa giáo dục biển đảo vào chương trình tiểu học là hết sức cần thiết, đặt nền móng cho lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương đất nước trong các em học sinh lứa tuổi tiểu học. Trong đề tài nghiên cứu của mình, nữ sinh viên này đã dành hơn 20 trang để nói về Trường Sa, Hoàng Sa và chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cụ thể, các tiết dạy nội khóa sẽ sử dụng các phương pháp tích hợp, lồng ghép liên hệ kiến thức liên quan cho học sinh. Ngoài ra, kiến thức biển - đảo cũng được Nhựt đưa vào các tiết học ngoại khóa như tổ chức dạy học bằng các hình thức kể chuyện, nói chuyện, các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, tranh ảnh - báo tường, tham quan viện bảo tàng, nhà truyền thống…

Không chỉ say mê học tập, nghiên cứu khoa học, Phan Minh Nhựt còn là một Bí thư Chi đoàn năng nổ, hoạt bát. Mong muốn của cô giáo tiểu học tương lai này là công trình nghiên cứu của mình được tiếp tục triển khai, ứng dụng trong giảng dạy để đem lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo quốc gia.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm