Tết Việt trên đất nước Triệu Voi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sống ở đất nước quanh năm suốt tháng diễn ra lễ hội, vậy mà những người Việt ở Lào vẫn trông ngóng Tết cổ truyền Việt Nam. Dẫu không rầm rộ, rộn ràng như quê nhà, song năm nào cũng vậy, 7 xóm người Việt ở Pakse tỉnh Champassak luôn duy trì những cái Tết Việt hết sức ấm cúng.

Thắp hương Đức Thánh Trần và Bác Hồ

Đã thành lệ, cứ mỗi sáng mùng Một Tết, không ai bảo ai, người Việt tại Pakse cứ lặng lẽ đến đền thờ Đức Thánh Trần và Bác Hồ ở xóm Tân Phước để thắp hương cầu cho mọi người khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, cuộc sống yên bình và nhất là cầu cho Việt Nam quốc thái dân an. Ở đây cũng có một bàn thờ riêng để thờ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Đây là dịp để họ gặp gỡ, chào hỏi thăm nhau sau một năm vất vả làm việc.

 

Sau đó, họ tập trung lại ở văn phòng của Tỉnh hội hoặc Câu lạc bộ của chi hội Người Việt của một xóm nào đó để chào cờ và hát Quốc ca Việt Nam. Việc này hoàn toàn xuất phát từ tình cảm chân thành chứ không hề gượng ép. Bác sĩ Trần Đức Tài (tên Lào là Khăm Tay Sị Sản)- Trưởng ban Thanh niên của Hội Người Việt tỉnh Champassak, cho biết: Nhóm thanh niên trong đội văn nghệ hát trước, bà con hát theo. Không được mở máy hát đệm, ai không thuộc thì cầm giấy mà hát. Làm như vậy để bà con nhớ đến nguồn cội, quê hương.

Phong vị Tết Việt

Trong những ngày Tết có tổ chức thi múa lân, trình diễn áo dài và văn nghệ. Thành viên các đội lân là thanh-thiếu niên đảm nhiệm. Các đội lân đều cố gắng trổ tài trước bà con. Trong đó đội lân Bản Thong do anh Nguyễn Văn Tính tập luyện được xem là quy mô, bài bản nhất. Các đêm mùng Một, mùng Hai, mùng Ba rước lân qua các ngõ xóm và biểu diễn trên các ngả đường vào xóm người Việt.

Thi trình diễn áo dài dành cho tất cả các lứa tuổi từ thiếu nhi đến trung niên. Ông Cao Đình Hạnh- Phó Chủ tịch Hội Người Việt, nói: Khuyến khích tất cả mọi người, mọi đối tượng tham gia. Câu hỏi cho các thí sinh cũng rất đơn giản, chủ yếu để mọi người hướng về Tổ quốc, như: Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày mấy? Cho biết sinh nhật Bác? Lịch sử Việt Nam mấy ngàn năm?… Ông Hạnh còn cho biết thêm, nếu có thể sẽ khuyến khích các cháu nữ sinh từ lớp 3 đến lớp 5 Trường Tiểu học Hữu nghị mặc áo dài vào thứ hai hàng tuần để gìn giữ nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.

Đội lân của Bản Thung-Pakse phục vụ trong các ngày lễ Tết. Ảnh: T.D

Trong các buổi tối mùng Hai, mùng Ba Tết, bà con tổ chức văn nghệ. Nội dung xoay quanh các chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, Bác Hồ bằng tiếng Việt. Đối tượng cũng không hạn chế tuổi tác, miễn hát được là tham gia. Nhạc công “cây nhà lá vườn” vui vẻ, gặp mặt là chính. Các em thiếu nhi được động viên, khuyến khích tham gia nhiều nhất, vì các bậc phụ huynh muốn con mình sử dụng tiếng Việt thành thạo qua các bài hát Việt.

Các môn thể thao như: Bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bi sắt thường xuyên được tổ chức trong dịp Tết. Trong đó, môn bi sắt và bóng đá được mọi người thích nhất. Ngoài ra còn có buổi họp mặt của các sinh viên và cựu sinh viên Việt kiều đã học tập tại Việt Nam vào ngày mùng Bốn Tết để động viên nhau học tập, làm việc phát huy trí tuệ, tài năng của người Việt.

Để có những niềm vui trong ngày Tết Việt là sự cố gắng không mệt mỏi của bà con người Việt tại đây. Đầu tháng Chạp, trong các lần đi tặng báo Gia Lai cho bà con, tôi đã gặp các bác, các chú, các anh chị trong Hội Người Việt bàn đi tính lại, rồi đi vận động quyên góp từng nhà. Mọi người đều mong có một cái Tết cổ truyền giống như Tết Nguyên đán ở Việt Nam để cho bà con vợi đi nỗi nhớ quê nhà và gắn bó với nhau hơn.

Nguyễn Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm