Thời sự - Bình luận

Tinh thần của Ngày Độc lập 2.9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi nghe kể, khi cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là sau ngày Độc lập 2.9.1945, ở Nam Bộ có rất nhiều nhà đại điền chủ “ruộng cò bay thẳng cánh” đã tự nguyện hiến tài sản cho Tổ quốc với tất cả sự hồ hởi của người dân được sống, được hít thở bầu không khí của một quốc gia độc lập.

Trong số những nhà đại điền chủ ấy, có ông cụ thân sinh của nhà văn Đoàn Giỏi, sau này là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Đất rừng phương Nam”. Thân sinh nhà văn Đoàn Giỏi vốn là một đại điền chủ ở Mỹ Tho, ruộng có hàng nghìn mẫu, nhưng sau ngày Độc lập 2.9, ông đã hiến gần như toàn bộ cho Tổ quốc theo lời kêu gọi của Cụ Hồ.

Khi Nguyễn Ái Quốc ra số báo Le Paria (Người cùng khổ) đầu tiên tại Paris ngày 1.4.1922, thì tiêu chí của Người là hướng về người cùng khổ ở Việt Nam và không chỉ ở Việt Nam, đang chịu vô vàn khốn cùng đau khổ dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Ngay từ hồi đó, lý tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã là đấu tranh cho dân nghèo, cho “người cùng khổ”. Nhưng muốn cuộc đấu tranh thành công thì phải giành cho được Độc lập. Mà muốn giành được Độc lập thì phải đoàn kết được toàn dân Việt Nam, không phân biệt người cùng khổ hay người khá giả, người giàu có hay giới tinh hoa (elite), miễn là họ có lòng yêu nước.

Chủ trương không phân biệt, chỉ dựa vào hai tiêu chí là Yêu nước và Thương dân để tập hợp mọi người dân Việt Nam, là chủ trương sáng suốt và xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì thế mới có thắng lợi của Tuần lễ Vàng, mới có những dâng hiến của cải khó tưởng tượng cho Cách mạng, cho nền Độc lập của Việt Nam từ các nhà giàu có trong cả nước.

Và chính từ chủ trương ấy mới có cả một tầng lớp tinh hoa những người tài năng, học cao biết rộng, có lòng yêu nước và nhiệt huyết xây dựng đất nước, theo chân Cụ Hồ từ Pháp và từ các nước khác ở Âu-Mỹ về nước, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến gian khổ và oanh liệt của Việt Nam để cuối cùng chiến thắng thực dân Pháp. Những người yêu nước như Trần Đại Nghĩa, Nghiêm Xuân Yêm, Lê Văn Thiêm, Trần Đăng Khoa và bao người khác nữa, họ thực sự thuộc về giới tinh hoa của Việt Nam, họ du học ở Pháp và một số nước phát triển khác, nhưng vì Việt Nam, họ đã từ bỏ tất cả mọi ưu đãi về công việc và đời sống để theo Cụ Hồ về nước.

Tôi vừa được đọc tập hồi ký mang tên “Gánh gánh gồng gồng” của một người chị nay 92 tuổi. Vào thời kháng chiến chống Pháp, đang ở Paris, chị đã tình nguyện nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ về chiến khu Việt Bắc, trực tiếp làm đủ mọi công việc mà cuộc kháng chiến đòi hỏi. Sau này, khi đi phiên dịch cho nhà làm phim tài liệu người Hà Lan nổi tiếng thế giới là Joris Ivens (1898-1989), chị đã học hỏi để trở thành một nhà làm phim tài liệu có nhiều tác phẩm đóng góp cho đất nước trong thời chiến tranh chống Mỹ. Người đạo diễn phim tài liệu ấy là chị Xuân Phượng. Mới đây, chị Xuân Phượng lại được Lãnh sự quán Pháp ở TP Hồ Chí Minh mời đi… tiêm vắc xin. Khi chị Xuân Phượng nói mình là người Việt Nam, không phải người Pháp, thì vị Lãnh sự nói đây là sự trân trọng của nước Pháp dành cho chị, một người đã nhận Huân chương cao quí của nước Pháp “Bắc đẩu bội tinh”.

Tinh thần của Ngày Độc lập 2.9 cùng với sức thu hút quá lớn lao của một vĩ nhân như Bác Hồ đã “hút” được những người yêu nước và thương dân không phân biệt, để cùng nhau vì sự nghiệp chung giành Tự do và Độc lập cho Tổ quốc.

Đó chính là ý nghĩa cao cả nhất của Ngày Độc lập 2.9 mà bây giờ chúng ta gọi là “Ngày Tết Độc lập”.

Và chúng ta hãy học Bác Hồ ở tinh thần yêu nước và thương dân không phân biệt ấy, để kêu gọi mọi con người yêu nước, tập hợp mọi nguồn lực từ người Việt Nam trong nước và trên khắp thế giới cùng chung lòng chung sức giúp Việt Nam chống đại dịch Covid-19 cho tới thành công.

Tinh thần của ngày Độc lập 2.9 cũng ở chỗ đó.

Tất cả bắt đầu từ 4 chữ: Yêu nước-Thương dân.

 

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm