Văn chương đích thực sẽ khẳng định sức sống của nó!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng hiện là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh bắt đầu viết văn năm 1998, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Nổi tiếng với các tập truyện ngắn: Đàn chim về sau bão, Ngược ngàn, Người đi bỏ mặc câu thề... Đặc biệt tiểu thuyết “Họ vẫn chưa về” của anh đã đạt Giải thưởng Liên hiệp Hội Văn học-Nghệ thuật TP. Hà Nội năm 2010. Sau đây là cuộc trao đổi ngắn giữa Hoàng Thanh Hương với anh.
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng
Là một nhà văn quan đội, một người lính nhưng anh không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, anh có nghĩ đó là điều khó khăn khi viết về đề tài chiến tranh?
- Là nhà văn quân đội dĩ nhiên đây là đề tài tôi quan tâm nhiều, là chủ đề lớn trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Không phải tham gia vào các cuộc chiến là một may mắn cho tôi nhưng đó cũng là một thiệt thòi. Tôi may mắn được đọc nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn lớn nhưng tôi viết về chiến tranh theo cách của tôi, đạt được như thế nào thì phải dựa vào sự thẩm định của độc giả.Anh đã xuất bản 4 tập truyện ngắn, anh tâm đắc nhất tập truyện nào, truyện ngắn nào?- Đó là 4 đứa con tinh thần của tôi, tôi yêu tất cả, mỗi tập truyện ngắn đều có một thú vị riêng, theo tôi. Thích nhiều hơn một chút thì là truyện “Lộc trời” vì tôi nghĩ về cơ bản, con người ta đều giống nhau về mặt sinh học. “Trời cho ai người ấy hưởng” nên người hơn người, làng này hơn làng khác, quốc gia này hơn quốc gia khác chính nhờ cái “lộc trời” ấy! Phải biết trân trọng “lộc trời” để duy trì lâu dài và làm được nhiều điều tốt đẹp để lại cho đời.Gần đây, một số nhà văn quân đội cùng thế hệ với anh như: Đỗ Tiến Thụy, Phùng Văn Khai, Nguyễn Đình Tú đã xuất bản tiểu thuyết và thu hút được độc giả, anh có định tập trung viết tiểu thuyết để truyền tải đến độc giả nhiều thông điệp hơn không?- Tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết thứ hai “Lối nho nhỏ” sắp ra mắt bạn đọc. Tôi không nghĩ tiểu thuyết lại truyền tải được nhiều thông điệp hơn một bài thơ hay một truyện ngắn. Tôi chỉ tập trung viết tiểu thuyết khi đã thấy mình nên và cần sau khi đã viết khá nhiều truyện ngắn, nếu tôi viết tốt sẽ nhận được nhiều hồi âm tốt từ phía độc giả và ngược lại. Dĩ nhiên dung lượng tiểu thuyết bao giờ cũng dày hơn một truyện ngắn nhưng thông điệp nhiều hay ít cái đó lại phụ thuộc vào tài năng nhà văn. Gia Lai đã khi nào là nguồn cảm hứng trong sáng tác của anh?- Tôi đến Gia Lai 3 lần, lần ở lại lâu nhất là 15 ngày trong một đợt thực tế sáng tác tại Tây Nguyên năm 2006. Gia Lai để lại nhiều ấn tượng đẹp và tôi yêu quý nơi này, tiếc là chưa đi đến được nhiều nơi hơn. Đây là vùng đất xinh đẹp, giàu bản sắc văn hóa. Người Pleiku nồng ấm và mến khách. Cà phê tuyệt ngon. Tôi rất muốn trở lại và chắc chắn sẽ trở lại nhiều lần nữa để viết một cái gì đó thật đậm đặc về Gia Lai, về Tây Nguyên.
Hoàng Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm