Xử lý nghiêm việc khai thác rừng tự nhiên làm cây cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Nhĩ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng vừa ký Công văn số 2239/TTg-KTN về việc xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ, xuất- nhập khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ khai thác từ rừng tự nhiên. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhĩ- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai xung quanh vấn đề này.
* Ngành đã triển khai thực hiện Công văn của Chính phủ như thế nào, thưa ông?
- Ngày 20-12-2010, Chi cục đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2010. Tại Hội nghị, Chi cục đã chấn chỉnh và yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, các Đội Kiểm lâm cơ động, các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các địa bàn còn cây rừng tự nhiên có dáng cây cảnh; xử lý kiên quyết, triệt để những trường hợp vi phạm, không để tình trạng khai thác, vận chuyển những cây rừng tự nhiên làm cây cảnh ra khỏi địa bàn tỉnh.
Đồng thời các Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương không xác nhận những cây không có nguồn gốc hợp pháp để vận chuyển. Đối với những cây dân tự trồng trong vườn nhà lâu năm muốn tiêu thụ phải xác minh rõ nguồn gốc.

* Tình trạng khai thác cây rừng tự nhiên làm cây cảnh trên địa bàn Gia Lai hiện nay ra sao?
Ảnh minh họa
- Trong 2 năm (2009-2010), do nhu cầu chơi cây cảnh ngày càng nhiều với lợi nhuận cao, có cây giá trị lên đến cả tỷ đồng nên đã kích thích một số người dân vào rừng tìm kiếm các loại cây có kích cỡ lớn, cây có nhiều năm tuổi, hình dáng đẹp khai thác bán lại cho đầu nậu. Một số thương lái còn tổ chức mua với số lượng lớn các loài cây về trồng một thời gian, sau đó hợp thức hóa giấy tờ thành cây vườn nhà để buôn bán và xuất khẩu, làm cho tình trạng khai thác, đào, tìm cách vận chuyển cây rừng để làm cây cảnh ra khỏi địa bàn diễn ra khá phức tạp và ngày càng nghiêm trọng.
Thời gian gần đây, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện một số vụ vi phạm trong lĩnh vực này, trong đó có 3 vụ ở các huyện: Đak Đoa, Mang Yang và Chư Prông có tính nghiêm trọng. Vụ việc ở Đak Đoa, Chi cục đã đề nghị đưa ra khởi tố; 2 vụ còn lại xử lý hành chính. Các loài cây như: Si, lộc vừng, bồ đề, bằng lăng, chòi mòi, sanh được giới chơi cây cảnh rất ưa chuộng và “săn” nhiều nhất.
* Vậy ngành làm thế nào để quản lý?
- Trước hết, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 1146/UBND-NL về việc kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép cây rừng làm cây cảnh. Chi cục cũng đã có Công văn 661 chấn chỉnh tình trạng này.
Tuy nhiên, đây là hình thức vi phạm mới, chưa có tiền lệ nên các văn bản quy phạm để xử lý lĩnh vực này là chưa có, Chi cục phải vận dụng Nghị định 99 của Chính phủ để xử lý. Song, mức độ xử lý cũng chỉ căn cứ vào quy định khối lượng, chưa căn cứ vào giá trị bởi chưa có tiêu chí đánh giá mà do người có nhu cầu tự định giá trị tùy từng trường hợp và loài cây. Những cây không có giá trị về gỗ (gỗ tạp, cong queo hoặc bị bọng) nhưng lại có giá trị về cây cảnh vì hình dáng đẹp vẫn được giới thương lái mua đến mấy trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.
* Dư luận cho rằng thời gian qua có vụ việc liên quan đến trách nhiệm của Kiểm lâm, vậy quan điểm của ông thế nào?
Quan điểm của Chi cục là xử lý nghiêm túc những trường hợp cố tình vi phạm, không bao che. Đối với những trường hợp sơ suất trong nghiệp vụ, Chi cục sẽ hướng dẫn và tập huấn để Kiểm lâm địa bàn có đủ kiến thức, năng lực làm nhiệm vụ tốt hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm