Xuân về trên đỉnh Lang Biang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi lên đỉnh Lang Biang vào một buổi sáng nắng vàng rực rỡ, những tia nắng ấm áp ấy như đang nhẹ nhàng đẩy màu mây xám đục, cùng cái lạnh cuối đông ra khỏi bầu trời xứ ngàn thơ để dọn đường cho một mùa Xuân tươi mới đang tràn về. Và khi đứng trên đỉnh Lang Biang, tôi đã thực sự thấy sắc Xuân đang gõ cửa nơi này…

Lang Biang- chuyện tình, chuyện núi

Anh bạn đồng nghiệp chở tôi nhắm thẳng hướng hai chóp núi cao nhất dù đứng ở vị trí nào trong lòng thành phố Đà Lạt đều có thể nhìn thấy, đó là đỉnh Lang Biang. Quả không ngoa chút nào khi người ta gọi đây là “nóc nhà” của thành phố hoa. Rời Đà Lạt chừng 12 km, chúng tôi đã có mặt tại chân núi Lang Biang thuộc địa phận huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

 

Dòng Đankia nhìn từ đỉnh Lang Biang. Ảnh: N.G

Ấn tượng đầu tiên là dòng chữ Lang Biang trắng tinh khổng lồ được đúc bằng xi măng dựng thẳng đứng trên một quả đồi rộng lớn. Bên cạnh quả đồi là con đường uốn lượn như một con trăn trong thần thoại đang dạo chơi trong rừng thông xanh bạt ngàn. Những chiếc xe Jeep đang sẵn sàng đưa du khách lên tới đỉnh núi. Con đường dài 6 km, dốc cao quanh co rợp bóng mát cũng sẵn sàng đón bước chân của những du khách thích tự mình chinh phục đỉnh Lang Biang. Riêng tôi, được lên đỉnh núi bằng xe máy nhờ một ưu tiên đặc biệt dành cho cánh phóng viên.

Một con đường đẹp, một rừng thông đẹp và cả một câu chuyện tình yêu quá đẹp, tất cả ẩn mình trong lòng Lang Biang. Truyền thuyết của dân tộc K’Ho-chủ nhân đầu tiên của vùng đất này kể rằng: Nhà K’lang (người Lát, một nhánh của dân tộc K’Ho) và H’biang (người Chil, cũng một nhánh của tộc người K’Ho) đều ở dưới chân núi, họ tình cờ gặp nhau trong một lần lên rừng hái quả. H’biang gặp nạn và chàng K’lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ. Một lần gặp gỡ nhưng cả hai đã cảm mến, rồi họ đem lòng yêu nhau.

 

Du khách đi bộ, tự mình chinh phục đỉnh Lang Biang. Ảnh: N.G

Nhưng do lời nguyền giữa 2 tộc người mà H’Biang không thể lấy K’Lang làm chồng. Vượt qua tục lệ khắt khe và lễ giáo, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Họ trở thành chồng vợ rồi bỏ đến một nơi trên đỉnh núi để sinh sống. Khi H’Biang bị bệnh, K’Lang đã tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng đành quay về báo cho buôn làng để tìm cách cứu nàng. Cha H’Biang tức giận, cho rằng K’Lang là con ma làm hại con ông. Buôn làng của H’Biang kéo đến quyết tâm giết chết “con ma” K’Lang để cứu H’biang nhưng cái kết bi thương là nàng H’Biang chết do nàng đỡ mũi tên có tẩm thuốc độc nhắm thẳng vào K’Lang.

Đau buồn khôn xiết, K’Lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn thành suối lớn, ngày nay gọi là Đạ Nhim (suối khóc). Sau cái chết của hai người, cha H’Biang rất hối hận, ông đứng ra thống nhất các bộ tộc thành một dân tộc có tên là K’Ho. Từ đó các đôi nam nữ trong làng dễ dàng đến với nhau. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’Lang và nàng H’Biang chết được đặt lên là Lang Biang-tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người và tình yêu của họ.

Những du khách khi đến với Đà Lạt cũng vì không thể cưỡng lại vẻ đẹp hùng vĩ, khí hậu trong lành và tò mò về câu chuyện tình yêu ẩn trong lòng núi nên không thể bỏ qua Lang Biang.

 

Bức tượng chàng K’Lang và nàng Biang trên đỉnh Lang Biang. Ảnh: N.G

“Đỉnh Bình yên”…

Khi đứng trên đỉnh Lang Biang với độ cao khoảng 2.000 mét so với mực nước biển mới thấy hết sự hùng vĩ của đất trời. Những ngọn núi trùng điệp ẩn hiện trong những làn mây hững hờ bay lượn. Phóng tầm mắt ra xa một chút sẽ thấy bao quát thành phố Đà Lạt. Mặc dù đã quá trưa nhưng từ đỉnh Lang Biang nhìn xuống, thành phố thơ vẫn huyền ảo trong một lớp sương, đẹp đến mê hồn. Thế mới nói ai đã cất công lên với Đà Lạt mà chưa chinh phục đỉnh Lang Biang thì phí cả chuyến đi.

Đặc biệt, khi những cơn gió cuối đông trở nên dịu dàng, nữ tính biến thành những làn gió mang hương sắc của mùa Xuân thì đỉnh Lang Biang càng có sức hút đến mê hoặc lòng người. Khi đứng trên đỉnh núi, cảm giác thật dễ chịu với mênh mông đất trời, với không khí trong lành phảng phất hương thơm hoang dại của cây của núi. Một “tiểu Paris” hiện ra xanh bạt ngàn, mây núi giao thoa, dòng  Đankia-Suối Vàng hiền hòa dưới chân núi.

Bác sĩ Yersin, người có công tìm ra cao nguyên Lâm Viên đã từng đứng trên đỉnh Lang Biang với những ấn tượng sâu sắc. Với ông, đây là một “thiên đường” với cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ. Quý trọng những gì thiên nhiên đã ban tặng, tộc người K’Ho-xem đây như một vùng đất thiêng liêng cần được gìn giữ. Tôi đã rất ấn tượng với một cô gái có tên H’My (người Chil, một nhánh của tộc người K’Ho) đang ngồi dệt vải trên đỉnh núi. Nhà cô ở dưới chân núi nhưng cứ tờ mờ sáng là cô lỉnh kỉnh xách khung dệt và các sản phẩm thổ cẩm truyền thống như túi xách, ví, khăn tay… đi bộ lên đỉnh núi. H’My nở một nụ cười tươi rói: “Ngày nào H’My cũng lên vì nếu ở nhà thì nhớ núi lắm, cả làng mình ai cũng gọi núi là núi bình yên. H’My mang theo khung cửi vì thích nhất là ngồi dệt trên đỉnh núi, có khi trời tối rồi mà chưa muốn về…”.

Những người phụ nữ K’Ho vẫn đang gìn giữ nghề truyền thống để giới thiệu với du khách gần xa những sản phẩm dệt thổ cẩm tinh xảo. Họ đã góp công lớn trong việc tô vẽ thêm vô số màu sắc cho bức tranh sơn thủy hữu tình trên đỉnh Lang Biang.

Khi mặt trời xuống núi, ché rượu cần thơm nồng ấm nóng bên ánh lửa bập bùng. Những chàng trai, cô gái K’Ho xinh tươi ca hát, nhảy múa rộn ràng theo nhịp cồng chiêng vang vọng cả đỉnh núi. Tôi-một lữ khách đã bị chuốc say bởi hương rượu cần, bởi cuộc sống bình yên của buôn làng và bởi những câu chuyện huyền thoại được kể thâu đêm nơi Thung lũng trăm năm.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm