Ấm lòng chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày giáp Tết, chúng tôi theo đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân, vận chuyển hàng Tết đến với cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa. Vào mùa này Trường Sa gió lớn, cứ mỗi đợt không khí lạnh từ phương Bắc tràn về biển động dữ dội. Đối với Hải quân, đi biển vào mùa này vất vả nhất trong năm.

Đúng theo kế hoạch tại Quân cảng Cam Ranh, ba tàu Hải quân chia thành ba hướng xuất phát rời cầu cảng Cam Ranh - Khánh Hòa, mang theo trọng trách chuyển tải hàng ngàn tấn hàng Tết của các tổ chức, cá nhân từ mọi miền Tổ quốc đến với 21 đảo, 33 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa.

 

Hàng Tết được chuyển từ tàu vào đảo. Ảnh: Văn Nghĩa
Hàng Tết được chuyển từ tàu vào đảo. Ảnh: Văn Nghĩa

Mặc dù vào thời điểm thời tiết rất xấu, ngoài đảo, gió Đông Bắc thường xuyên đạt cấp 7 cấp 8, có lúc giật cấp 9 nhưng để các chiến sĩ ngoài đảo xa có được một cái tết đầy đủ hương vị của đất liền kịp thời, các đồng chí lãnh đạo Lữ đoàn 146-Vùng 4 Hải quân luôn xác định phải vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm đã được giao.

Thượng tá Ngô Duy Đỗ-Lữ đoàn phó quân sự, Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn trên tàu HQ-936 cho biết: Trong chuyến công tác này, với nhiệm vụ chuyển hàng ra 14 điểm của 8 đảo thuộc khu vực tuyến giữa quần đảo Trường Sa phục vụ các chiến sĩ có đầy đủ từ những vật phẩm nhỏ nhất như: hạt tiêu, cây giang lạt, gạo nếp để gói bánh chưng, mai, đào... Thực phẩm tươi sống mỗi điểm đảo cũng được cấp 2 đến 3 con heo thịt, tổng cộng gần 3 tấn, ngoài ra còn có gà vịt...

Khó khăn nhất trong chuyến công tác dài ngày này là khâu bảo quản thực phẩm luôn tươi sống, đảm bảo hàng ra tới tay các chiến sĩ ở các điểm, đảo có chất lượng tốt nhất. Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ khâu bảo quản, bọc gói chống thấm, chống nước vì ra đảo dịp cuối năm thường gặp sóng lớn, nên rất dễ bị nhiễm nước biển.

 

Tàu HQ-936 Sau gần 5 ngày đêm trong chuyến hành trình đi biển đã đưa chúng tôi đến điểm đảo Đá Lớn. Một đảo chìm, kết cấu bởi đá ngầm và các dải san hô, toàn đảo có chiều dài khoảng 16 km, chiều ngang khoảng 2,5 km, khi thủy chiều dâng lên đảo chỉ nhận ra những mỏm đá lô nhô, phần nhìn thấy ranh giới giữa đảo và biển là những con sóng bạc đầu đổ vào những dải san hô chạy trải dài theo thân đảo. Đảo Đá Lớn có 3 điểm đảo Hải quân chốt giữ gồm điểm đảo A, B và C.

Tàu thả neo các đảo khoảng 800 mét, từ xa nhìn về điểm đảo là 2 tòa nhà sừng sững hiên ngang đứng giữa muôn trùng sóng nước. Việc vào đảo mùa sóng dữ thật không đơn giản chút nào, chúng tôi phải chờ cho nước thủy triều dâng cao ngập dải đá san hô, lựa theo con lạch tìm đường vào. Chiếc thuyền nhỏ với sức chứa chừng 15 người bị lọt thỏm giữa những con sóng cao nhấp nhô. Lách lựa theo các con sóng như những lưỡi rìu bổ nhào xuống đầu bất cứ lúc nào. Sau gần 1 giờ đồng hồ, đoàn công tác tiếp cận đảo an toàn.

Trung úy Hoa Thi Sinh-Chính trị viên điểm đảo, người đã có 4 cái Tết trên đảo cho biết: Tết nào cũng vậy ở đây mặc dù vẫn còn thiếu thốn nhưng cơ bản vẫn đảm bảo cho chiến sĩ vui xuân đầy đủ, ấm cúng. Ngày giáp Tết anh em tổ chức gói bánh chưng, trang trí bàn thờ, mâm ngũ quả, không khí cũng vui vẻ đầm ấm. Trong những ngày Tết anh em quây quần xích lại gần nhau chia sẻ với nhau nhiều hơn những kỷ niệm, tình cảm của người thân trong gia đình.

Mặc dù thiếu tình cảm gia đình nhưng các chiến sĩ đã có thêm tình đồng đội. Đêm Giao thừa toàn đơn vị tập trung, nghe Chủ tịch nước chúc Tết và không quên chúc nhau luôn mạnh khỏe rèn luyện tốt để hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, và không quên gọi điện về cho gia đình. Ngày mồng 1 Tết cả đơn vị vừa vui Xuân đón Tết nhưng không quên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

 

Hàng Tết đến với các chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: Văn Nghĩa
Hàng Tết đến với các chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: Văn Nghĩa

Ở tất cả những điểm đảo chúng tôi đến như Cô Lin, Len Đao, Song Tử Tây… cuộc sống của các cán bộ chiến sĩ đã được nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần. Hầu hết các đảo đã có hệ thống bể chứa nước sạch, có thể dùng quanh năm. Tận dụng nguồn nước đã qua sử dụng để trồng rau xanh; ở các điểm đảo đều có hệ thống năng lượng sạch phục vụ thắp sáng trong sinh hoạt và làm việc. Việc tăng gia sản xuất trồng rau xanh, nuôi heo, gà, vịt để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa để chăn nuôi góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ.

Vậy là mùa Xuân này, bằng những nỗ lực tại chỗ của cán bộ chiến sĩ trên quân đảo Trường Sa, cùng với những chuyến tàu chở hàng Tết từ đất liền đến đảo, đã tạo nên niềm tin yêu cho các chiến sĩ ngoài đảo xa khi mùa Xuân đã về, được đón nhận những tình cảm nồng ấm từ đất liền, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa càng vững chắc tay súng bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng  của Tổ quốc.

Trần Văn Nghĩa

Có thể bạn quan tâm