Bánh chưng ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với mỗi gia đình, hình ảnh chiếc bánh chưng xanh từ lâu đã rất đỗi quen thuộc, không đơn thuần chỉ là món ăn truyền thống mà còn là niềm hân hoan sum họp trong những ngày đầu năm mới. Những ngày này, chỉ cần đi một vòng quanh chợ hay siêu thị là có thể mua được bánh chưng dùng trong  ngày Tết. Thế nhưng, trên địa bàn TP. Pleiku vẫn có những gia đình gói bánh chưng, coi đây là một nghề truyền thống của mình.
 

 Vợ chồng chị Hương hướng dẫn cách gói bánh chưng. Ảnh: Phan Lài
Vợ chồng chị Hương hướng dẫn cách gói bánh chưng. Ảnh: Phan Lài

Chúng tôi tìm đến nhà của chị Đỗ Thị Hương (tổ 2, phường Đống Đa, TP. Pleiku), một gia đình có truyền thống lâu năm trong nghề làm bánh chưng, hỏi về chuyện làm ăn, chị Hương cho biết: “Mọi năm, gia đình tôi xuất đi gần 2.000 chiếc bánh, các tiểu thương ở các chợ: Thống Nhất, chợ Mới, Yên Thế, Phù Đổng… cũng tới đây lấy hàng, nhiều khi có những đơn đặt hàng mãi tận Kon Tum, Đak Lak. So với những năm trước, năm nay đơn đặt hàng giảm nhiều, tới thời điểm này chỉ có một vài đại lý đặt mối, bình quân chỉ gói khoảng 100 bánh/ngày”.
 

Một hộ làm bánh khác là chị Trần Thị Tám (thôn 1, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cũng chung tình trạng tương tự, dù không có cửa hàng kinh doanh lớn nhưng năm trước chị cũng cho ra lò khoảng 1.300 bánh, nhưng năm nay cũng giảm gần một nửa, tức là còn khoảng 700 đến 800 bánh.

Theo khảo sát, những ngày trong năm, bánh chưng cung cấp cho các nhà hàng được bán với giá khoảng 35.000 đồng đến 40.000 đồng/bánh. Đến Tết, giá tăng lên khoảng 60.000 đồng đến 70.000 đồng/bánh. Chị Hương cũng cho biết thêm: “Năm nay, giá nguyên liệu tăng nhưng giá bánh thì không tăng nhiều, nên lãi cũng không được bao nhiêu. Trừ chi phí nguyên liệu, công vận chuyển thì mỗi chiếc bánh chị lời từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/bánh. Rồi cũng do tình hình kinh tế biến động, cao su và cà phê giảm nên người dân cũng tiết kiệm chi tiêu, giảm mua.

Lý giải về sự tò mò của chúng tôi vì vất vả, lại không lãi nhiều mà chị vẫn theo đuổi nghề làm bánh chưng lâu năm đến vậy, chị tự hào cho biết: “Tôi quê ở ngoài Bắc (quê gốc ở Hà Nội), là vùng đất kinh kỳ nên ngày xưa mẹ thường dạy tôi phải đảm đang nội trợ, dạy tôi cách làm bánh chưng, bánh dày, muối dưa hành. Vào đây lập nghiệp, mỗi dịp Tết không về được, vừa nhớ hương vị bánh ngày xưa mẹ làm, vừa muốn đem đến cho mọi người chút hương vị Tết quê hương, nên tôi quyết tâm theo đuổi nghề này”.

Nghề làm bánh chưng đòi hỏi phải có tính kiên trì, nhẫn nại từ khâu chuẩn bị: chọn lá dong phải chọn lá dày, có màu hơi ngả vàng; đậu xanh phải đãi sạch vỏ, không có sạn, giã nhuyễn; gạo nếp thì tùy theo sở thích người ăn mà chọn loại hạt tròn hay hạt dài, thơm hay không thơm; thịt làm bánh phải là thịt ba chỉ; gia vị bánh là muối, bột ngọt, tiêu, hành phi khô. Rồi gói bánh cũng đòi hỏi người làm sự kỳ công, gói phải có bí quyết để bánh được vuông và phải thật chặt, nếu không bánh sẽ nhão và xấu.

Công đoạn nấu bánh là khó khăn nhất, phải canh lửa sao cho bánh chín đều, lúc nào lửa to, lúc nào lửa nhỏ, nước không được trào… Từ khâu chuẩn bị đến khi bánh thành phẩm phải mất ít nhất 10 tiếng, điều đó cho thấy nghề này tuy không vất vả nhưng đòi hỏi người làm phải có sự kiên trì đến như thế nào.

Tết đang về, không chỉ ở cái tiết trời se lạnh pha chút nắng xuân, mà còn là mùi bánh chưng, bánh tét thơm mùi nếp mới vừa ngậy mùi thịt mỡ, vừa béo vị đậu xanh phảng phất trong gió. Một món ăn không chỉ được nêm bằng gia vị mà bằng cả tình yêu thương, gợi nhớ về chàng Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày cúng tổ tiên tỏ lòng hiếu nghĩa.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm