(GLO)- Đồng hồ đang hoàn tất những vòng quay cuối cùng trong năm cũ, không khí xuân mới đã tràn trên khắp nẻo đường, mái nhà và trong niềm vui hân hoan của mỗi người. Như mọi năm, lễ hội giao thừa mừng Xuân mới-chương trình được mong đợi nhất chào đón giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới-sẽ tiếp tục được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku.
Chương trình lễ hội giao thừa mừng Xuân Ất Mùi 2015 sẽ diễn ra từ 22 giờ ngày 18-2 đến 0 giờ 15 phút ngày 19-2, tức đêm Giao thừa ngày 30 tháng Chạp. Chương trình do UBND tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND TP. Pleiku phối hợp cùng Nhà hát Ca múa Nhạc tổng hợp Đam San thực hiện. Từ 23 giờ, chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Gia Lai và tường thuật trực tuyến trên Báo Gia Lai điện tử. Đúng thời khắc giao thừa, sẽ có màn bắn pháo hoa chào đón năm mới kéo dài 15 phút do cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đảm nhiệm.
Anh chị em diễn viên phải tập luyện dưới nắng trời khá gay gắt. |
Rộn rã sắc Xuân
Mở đầu chương trình sẽ là phần biểu diễn nghệ thuật kéo dài 60 phút do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku đảm nhiệm nội dung. Từ 23 giờ, chương trình sẽ bước vào phần lễ chính với các nghi lễ, phần biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Ca múa Nhạc tổng hợp Đam San, lãnh đạo tỉnh chúc mừng năm mới và màn bắn pháo hoa.
NSƯT-Biên đạo múa Trần Quang Tâm-Giám đốc Nhà hát Ca múa Nhạc tổng hợp Đam San, Tổng đạo diễn nghệ thuật lễ hội, cho biết: Với mục đích đem đến không khí tươi mới của mùa xuân cho bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh, chương trình sẽ được “phủ sóng” bằng hầu hết các ca khúc nói về mùa xuân với giai điệu rộn ràng, tươi vui, thể hiện niềm vui, niềm tin và ước vọng vào một năm mới bình an, hạnh phúc, ấm no.
Mở đầu chương trình sẽ là hợp xướng “Chào mùa xuân thênh thang Việt Nam” do tập thể ca sĩ, diễn viên múa thể hiện. Tiết mục mở màn này sẽ có thêm sự góp mặt của đội múa rồng, lân để làm tăng thêm không khí và tầm vóc cho màn chào sân khán giả. Tiếp sau đó lần lượt là các phần biểu diễn cồng chiêng, múa rồng…
Đội cồng chiêng làng Roh trong một buổi hợp luyện. |
Trọng tâm của chương trình biểu diễn nghệ thuật chào đón năm mới Ất Mùi sẽ là phần liên khúc xuân với liên tiếp 9 bài ca ngợi về mùa xuân. Các bài hát đều có giai điệu tươi trẻ, gần gũi, ca ngợi của mùa xuân đất nước, tuổi trẻ và mùa xuân mang màu sắc riêng của đại ngàn Tây Nguyên với các ca khúc từng rất thân thuộc với mọi người: Ngày xuân long phụng sum vầy, Tết là tết, Mùa xuân ơi, Chúc Tết, Ngày Tết quê em, Xuân họp mặt, Hạnh phúc xuân ngời, Đêm giao thừa nghe khúc dân ca, Mùa xuân trở về.
Bên cạnh ca ngợi mùa xuân, Phố núi Pleiku tươi đẹp cũng được tái hiện với vẻ đẹp xuyên thời gian qua ca khúc “Pleiku xưa và nay” (sáng tác: NSƯT Đức Hà). Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của ca khúc viết về Trường Sa, ca khúc “Lính Trường Sa” của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan. “Các tiết mục lần lượt nối tiếp nhau thể hiện, sẽ không xuất hiện MC dẫn dắt, giới thiệu tác phẩm. Như vậy, chương trình sẽ tạo được sự liền mạch, thông suốt mà vẫn làm nổi bật chủ đề mùa xuân”-Tổng đạo diễn Trần Quang Tâm, chia sẻ.
Tập luyện chuẩn bị cho lễ hội giao thừa chào đón năm mới Ất Mùi 2015. |
Sẵn sàng trước giờ “G”
“Để đảm bảo được nội dung chương trình đề ra cũng như đáp ứng được sự mong đợi của các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh, anh chị em diễn viên, ca sĩ trong Nhà hát đã phải luyện tập với cường độ hết sức vất vả, bởi đồng thời với kế hoạch tập luyện chương trình chào xuân, chúng tôi còn phải đảm đương thêm nhiệm vụ khác là tập luyện biểu diễn phục vụ lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai sắp tới...
...Tuy vậy, chúng tôi cũng đã cố gắng và nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất trọng trách”-Tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Trần Quang Tâm, chia sẻ.
Cả trăm người đang dồn sức cho chương trình chào xuân mới... Ảnh: Lê Hòa |
Nội dung kịch bản được xây dựng trên cơ sở sự kết nối ý tưởng và công sức của cả tập thể. Trong đó, tổng đạo diễn nghệ thuật phần chương trình được truyền hình trực tiếp là NSƯT Trần Quang Tâm, kịch bản và đạo diễn chương trình do NSƯT Đức Hà thực hiện; biên đạo múa bao gồm NSƯT Quang Tâm và các biên đạo: Công Hưng, Văn Cơ, Hồng Mai, Tứ Lục, Vũ Lợi, Hoài Liễu, Văn Sỹ; phần hòa âm-phối khí và dàn dựng âm nhạc do NSƯT Đức Hà, Khắc Phú, Tấn Dũng chịu trách nhiệm thực hiện.
Về diễn viên và ca sĩ, ngoài tập thể anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, cộng tác viên Nhà hát Ca múa Nhạc tổng hợp Đam San còn có sự góp mặt của Đoàn nghệ nhân cồng chiêng làng Roh (TP Pleiku) và đội múa rồng thuộc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku với tổng lực lượng khoảng 120 người tham gia.
“Từ cách đây 1 tháng, toàn bộ anh em đã được huy động cho việc tập luyện. Nhờ sở hữu lực lượng còn khá trẻ và đã được rèn luyện trong môi trường áp lực nên mọi việc khá thuận lợi. Sau khi có ý kiến góp ý của lãnh đạo tỉnh và các đơn vị phối hợp tổ chức sau buổi tổng duyệt, chúng tôi đã tổ chức hợp luyện bổ cứu chương trình. Về cơ bản có thể nói, chúng tôi đã sẵn sàng để bước vào “giờ G”. Hy vọng với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, chúng tôi sẽ đem đến một chương trình thực sự ấn tượng, hoành tráng, góp phần đem đến niềm vui cho mọi người, mọi nhà trong giờ phút xuân sang”-NSƯT Quang Tâm, nhấn mạnh.
Lê Hòa