* Đổi tên Vùng Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Vùng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc là sự nghiệp lâu dài, là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng, của cả hệ thống chính trị trong đó Cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt, trực tiếp. Bắt đầu từ ngày 3-10, các vùng trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chính thức đổi tên thành Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4.
Đây là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm, mở ra cơ hội và điều kiện thuận lợi về mọi mặt để Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam trả lời phỏng vấn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương (thứ 2 từ trái sang) cùng Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ngoài cùng bên phải) trong lễ bàn giao tàu CSB8001 cho CSB Việt Nam. |
- P.V: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, theo Quyết định số 3558 ngày 10-9-2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì các Vùng Cảnh sát biển sẽ được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Vùng, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Đảng ta xác định vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là vấn đề chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc là sự nghiệp lâu dài, là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng, của cả hệ thống chính trị trong đó Cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt và trực tiếp. Ngày nay xu thế tất yếu của thế giới là tôn trọng, thừa nhận luật pháp quốc tế; giải quyết các vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở pháp luật quốc tế.
Từ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta cũng như xu thế chung của thế giới cho thấy cần phải xây dựng lực lượng Cảnh sát biển đủ mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện để có thể hiệp đồng với các lực lượng khác thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống phức tạp xảy ra.
Việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định đổi tên Vùng Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục đánh dấu bước phát triển của Cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình xây dựng và trưởng thành; thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; mở ra cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay và thời gian tới. Đồng thời cũng đặt ra nhiệm rất nặng nề mà mỗi cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng, trực tiếp là các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển phải không ngừng phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đổi tên Vùng Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Vùng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. |
- P.V: Thiếu tướng cho biết về những thuận lợi và khó khăn của Bộ Tư lệnh các Vùng Cảnh sát biển hiện nay là gì?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Trong quá trình xây dựng và phát triển, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói chung, Bộ Tư lệnh các Vùng Cảnh sát biển nói riêng có nhiều thuận lợi, cụ thể là:
Luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước về mọi mặt, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với việc xây dựng lực lượng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Cảnh sát biển, như đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, củng cố cơ sở hạ tầng cầu cảng và doanh trại của Bộ Tư lệnh và các đơn vị đã được trên quan tâm đầu tư hơn.
Thông qua hoạt động thực tiễn, trình độ, kinh nghiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên biển, năng lực chuyên môn của cán bộ, chiến sỹ từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dân chủ cơ sở được phát huy, nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất cao; cán bộ, chiến sỹ có niềm tin vào lãnh đạo, chỉ huy các cấp; luôn yêu mến, gắn bó với đơn vị; ý chí quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ…
Quyết định số 3558/QĐ-BQP ngày 10-9-2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc đổi tên các Vùng Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh các Vùng Cảnh sát biển cho thấy đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, là bước phát triển mới, thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước đối với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. |
Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, hiện nay Cảnh sát biển Việt Nam nói chung và Bộ Tư lệnh các Vùng Cảnh sát biển nói riêng còn gặp không ít những khó khăn, bất cập, cụ thể là:
Thứ nhất, về nguồn nhân lực, với bản chất là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, với vai trò là lực lượng nòng cốt, trực tiếp trong duy trì thực thi pháp luật trên biển, đòi hỏi chất lượng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển phải được chuyên môn hóa, có chất lượng tổng hợp cao, có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhưng hiện nay Cảnh sát biển chưa có trường đào tạo chuyên ngành; cán bộ, chiến sỹ được điều động về nhận công tác tại các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Cảnh sát biển nói chung và các Vùng Cảnh sát biển nói riêng chủ yếu được điều chuyển từ các đơn vị, nhà trường trong lực lượng vũ trang và từ các nhà trường ngoài quân đội, các trường đào tạo chuyên ngành về luật. Số cán bộ này cần phải đào tạo lại và có thời gian tập sự nhất định thì mới thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ.
Thứ hai, về trang bị phương tiện tàu thuyền, hiện nay số tàu có lượng giãn nước lớn, khả năng hoạt động ở biển xa, trong mọi điều kiện thời tiết chưa nhiều, trong khi vùng biển của nước ta rộng trên 1 triệu km vuông; yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ngày càng cao, vừa phải giữ vững được chủ quyền quốc gia trên biển; vừa tạo được môi trường hòa bình, ổn định để tạo điều kiện cho đất nước tiếp tục hội nhập và phát triển kinh tế, nhưng lại phải giữ được mối quan hệ với các nước có chung lợi ích ở Biển Đông. Trong khi vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động vi phạm chủ quyền, buôn lậu và gian lận thương mại, buôn lậu ma túy trên hướng biển, kể cả cướp biển và cướp có vũ trang trên biển.
- P.V: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao sau khi Quyết định đổi tên có hiệu lực, thời gian tới các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển cần phải được đầu tư về con người và trang thiết bị kỹ thuật như thế nào để đủ sức thực hiện nhiệm vụ, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Sức mạnh tổng hợp, sự phát triển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói chung, Bộ Tư lệnh các Vùng Cảnh sát biển nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là về con người; về trang bị kỹ thuật và các mặt công tác bảo đảm. Nhưng phải khẳng định con người là yếu tố then chốt, trang thiết bị là yếu tố quan trọng. Cụ thể:
Về con người: Cán bộ, chiến sĩ các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển cần phải được xây dựng vững mạnh về chính trị tư tưởng (về bản lĩnh chính trị, về ý chí quyết tâm, về niềm tin và về hành động cách mạng…). Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; môi trường hoạt động, tính chất nhiệm vụ của các Vùng Cảnh sát biển đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ phải có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng chống lại lối sống cơ hội, thực dụng và âm mưu của các thế lực thù địch; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ phải được nâng cao chất lượng, đảm bảo chặt chẽ khâu tuyển chọn con người, theo hướng lựa chọn kỹ bảo đảm tin cậy về chính trị; được huấn luyện, đào tạo bài bản thông qua nhiều hình thức từ đào tạo chính quy, bồi dưỡng, tập huấn, rèn luyện qua thực tiễn, tăng cường công tác kiểm tra, rút kinh nghiệm và đặc biệt là phải xây dựng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ chuyên môn kỹ thuật để đủ điều kiện mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay cũng như khi có tình huống phức tạp xảy ra trên biển.
Về trang bị kỹ thuật: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã tác động mạnh đến hoạt động thông thương trên biển và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn biển đảo. Do vậy đối với các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển cần phải được quan tâm đầu tư trang bị các loại phương tiện, khí tài kỹ thuật hiện đại, để đủ sức thực hiện nhiệm vụ như: trên sẽ bổ sung các phương tiện, nhất là các gam tàu có lượng giãn nước lớn, hiện đại, có thể hoạt động dài ngày trên biển, có đủ điều kiện, khả năng hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo và duy trì thực thi pháp luật trong điều kiện thời tiết phức tạp, trên các vùng biển xa.
Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống chỉ huy, điều hành giám sát, các phương tiện phục vụ công tác trinh sát và phòng chống tội phạm ma túy, các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, được trang bị vũ khí sát thương và phi sát thương thương theo quy định quốc tế để phục vụ kịp thời, hiệu qủa cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống.
- P.V: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Theo VOV