Biển đảo Việt Nam

Cứu người trong sóng dữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 35 năm ngang dọc nơi biển khơi, anh Võ Văn Lựu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không biết bao lần đối chọi với sóng gió. Từ trong vùng xoáy của nhân tai, thiên tai, anh đã can trường vượt trên sóng dữ để bám biển, để cứu hàng chục mạng người...

Giành giật mạng người với sóng dữ

 

“Kết thúc một mùa khai thác ở Hoàng Sa, Trường Sa năm nay trở về, tính ra chẳng có gì, ngoài cái được lớn là cứu 10 mạng người nơi sóng dữ”-anh Lựu mở đầu câu chuyện với chúng tôi đầy suy tư như thế.
 

Vợ chồng anh Lựu rất phấn khởi khi công sức của mình được bà con và ngành chức năng ghi nhận. Ảnh: Mai Hạ
Vợ chồng anh Lựu rất phấn khởi khi công sức của mình được bà con và ngành chức năng ghi nhận. Ảnh: Mai Hạ

Cách đây chừng 3 tháng, vào ngày 15-6, cơn bão số 1 đã ập đến vùng biển Đông trong mùa khai thác. Không kịp chạy về đất liền, tàu anh Võ Nhị đang khai thác ở vùng đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị nạn. Tàu phát tín hiệu cứu nạn, nhưng do trong thời điểm giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép vào sâu trong thềm lục địa của nước ta, cản trở đường ra khơi của ngư dân nên không có tàu lân cận đến cứu. Nhận được tín hiệu cứu, anh đã tăng tốc đưa con tàu ngược sóng, gió đến vị trí tàu anh Nhị cứu nạn. Hơn 1 giờ trôi qua, tàu anh đã tiếp cận được tàu của anh Nhị, trong lúc con tàu đã chìm nửa thân, 11 lao động chấp chới trong sóng nước. Anh em ngư dân, người quẳng dây, người kéo từng người lên tàu.

Bão vẫn chưa tan, 23 con người (hai tàu gộp lại) phó thác mạng sống cho thuyền trưởng Võ Văn Lựu. Vận dụng hết kinh nghiệm, anh Lựu đã lần lượt đưa con tàu vượt hàng trăm hải lý về đất liền vào ngày 18-6. Chuyến biển này anh đã lỗ nặng về tiền bạc nhưng nghĩa tình con người trên biển được vun đắp thêm dày.

Anh Lựu nhớ lại: Cũng khoảng tháng 6-1989, 4 cha con đi trên một con tàu cùng với 7 bạn thuyền đánh bắt ở Hoàng Sa. Phương tiện để nắm bắt thông tin chỉ là chiếc radio và la bàn. Khi nghe bão đến trên biển Đông thì cũng là lúc sóng gió quăng quật con thuyền tơi bời. Tàu anh cầm cự được một ngày đêm, còn các tàu bạn cứ lần lượt chìm dần. Trong lúc hoảng loạn thì tàu của ngư dân Thanh Khê (Đà Nẵng) cũng bắt đầu chìm. Anh Lựu thấy vậy nên vừa nổ máy ghì tàu, vừa nhích con tàu đến sát bên tàu Thanh Khê để kịp vớt 12 ngư dân trên con tàu sắp chìm.

Can trường bám biển

Mỗi lần sống sót từ bão biển trở về hay mỗi lần cứu thêm vài mạng người trên biển, anh Võ Văn Lựu lại chịu thêm tổn thất. Có những lần anh mất hết tài sản. Thế nhưng, vài tháng sau, anh lại xuất hiện ở biển Hoàng Sa như cột sóng vững chãi mới nhô lên khi bão đi qua. Đầu tháng 3-2014, tàu anh đang đánh bắt ở quần đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì tàu Trung Quốc đến rượt đuổi. Anh đã chủ động né tránh. Cuộc truy đuổi không cân sức, tàu anh đã rơi vào vòng vây của nhiều tàu Trung Quốc và bị lấy hết tài sản. Tổn thất kinh tế, ê ẩm vì chúng đánh đập, nhưng rồi anh vẫn khắc phục đến với biển như bao lần bão tố đã quăng quật. Anh Lựu cho biết: “Chuyến biển này mất hết 400 triệu đồng, nhưng còn biển, còn người thì cứ tìm cách ra khơi”.

Hết đối chọi với bão biển, tàu anh phải đối mặt với nhân tai. Tháng 5-2012, tàu anh đang hành nghề trên vùng biển Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi đâm bể boong tàu, lấy hết tài sản. Một lần nữa, anh trở về trắng tay với xác tàu tơi tả.

Những lão ngư trong làng nghe những câu chuyện về nghiệp đi biển của anh Lựu mà lắc đầu, tưởng rằng anh sẽ bỏ biển. Thế nhưng, với lòng can đảm, anh bán con tàu rách nát, vay mượn người thân trong gia đình để sắm chiếc tàu 430CV, với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Vài tháng sau, tàu anh lại rẽ sóng thẳng tiến đến ngư trường truyền thống Hoàng Sa đánh bắt trong sự khâm phục của người làng.

Mai Hạ

Có thể bạn quan tâm