Đam San trong lòng Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 năm (2010-2011), sau lễ kết nghĩa giữa tỉnh Gia Lai và Bộ Tư lệnh Hải quân, Gia Lai đã tổ chức 2 đoàn công tác đến thăm và làm việc với huyện đảo Trường Sa. Trong những chuyến đi ấy, Nhà hát Ca múa nhạc Đam San đã cử các nghệ sĩ tình nguyện, mang hàng tấn thiết bị cùng vượt hàng trăm hải lý tham gia lưu diễn, đưa lời ca tiếng hát mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên đến huyện đảo Trường Sa. Với tất cả tấm lòng, với những nghĩa cử đẹp, họ đã tạo nên dấu ấn rất... Đam San.

“Cháy” hết mình với lính đảo

Có thể nói như thế về những đêm lưu diễn của các nghệ sĩ: Bích Mận, Công Hưng, Uyên Nhi, Ánh Vi, Hồng Oanh… tại Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa Lớn, Đá Nam, Đá Đông, Đá Tây và cả nhà giàn DK1.

Đến với Trường Sa trước đó đã có nhiều đoàn, nhiều nghệ sĩ, nhưng như Đảo trưởng- Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Nguyễn Văn Lục tâm sự: Trong lòng những người lính đảo, luôn có một Đam San rất riêng, ấn tượng và hết mình. Đúng thế, ít có đoàn ca múa nhạc nào mà hầu hết các nghệ sĩ của đoàn đã có mặt ở Trường Sa như Đam San (trên 20 nghệ sĩ đã biểu diễn ở Trường Sa). Những bản tình ca, hay rook rất Tây Nguyên, đều được anh em hải quân trên đảo đón nhận hoan nghênh. Mỗi bài hát qua giọng ca của nghệ sĩ Đam San đều thắm đượm hòa quyện được khí phách, hương rừng nơi biên giới với cái mặn nồng gió biển của lính đảo. Bích Mận, Uyên Nhi với “Đôi mắt Pleiku” “Pleiku chưa xa đã nhớ”; Rơ Com Jơ với “Đak Rong ơi mùa Xuân lại về”, “Núi Chư Prông”, “Đi tìm lời ru thần mặt trời”, “Giấc mơ Chapi”… Và cũng rất ấn tượng là những tiết mục múa: “Dâng rượu”, “Puol Kôp” trong sắc màu của núi rừng, thể hiện lòng hiếu khách của người Jrai, Bahnar.

Ca sĩ Lê Thị Thanh Hòa “cháy mình” với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: Bích Hà
Ca sĩ Lê Thị Thanh Hòa “cháy mình” với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: Bích Hà

Đặc biệt, với bài hát “Bàn chân trần trên đất” kết hợp với điệu xoang Tây Nguyên như lời hiệu triệu kết đoàn, đã lôi cuốn và chinh phục người lính đảo. Những ché rượu cần mà đoàn Gia Lai mang đến biển đảo đã nhân lên sự đồng điệu tâm hồn của Đam San- Tây Nguyên với Trường Sa... Nhạc công Huỳnh Hạnh đến bây giờ vẫn bồi hồi: “Nhớ mỗi lần thấy quân dân trên đảo cùng nắm tay xoang với các anh chị em là tôi cũng hóa thân vào nhạc đến không muốn dừng. Còn Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm- Phó Giám đốc Nhà hát Đam San, sau chuyến đi anh ấp ủ viết bản hùng ca nhạc kịch “Tây Nguyên với Trường Sa”. Theo anh, biên giới và biển đảo cùng đầu tiền tuyến bảo vệ vững chắc biên thùy của giang sơn.

“Tôi vẫn muốn thêm lần nữa được hát với Trường Sa”

Đó là lời nói của ca sĩ Uyên Nhi- người đã có 2 chuyến đi lưu diễn ở Trường Sa. Cô được Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì Trường Sa”. Trẻ trung, xinh đẹp Uyên Nhi còn là một MC xuất sắc, góp phần cùng toàn đoàn làm cho những buổi giao lưu sôi động và ấm áp. Cũng như các nghệ sĩ trong đoàn, “tài sản” cô ca sĩ này mang từ Trường Sa về là… hàng trăm số điện thoại và mỗi ngày có hàng chục tin nhắn, lời hỏi thăm của các chiến sĩ trên đảo.

“Mỗi đêm diễn, mỗi lời hỏi thăm của anh em chiến sĩ, tất cả đều là kỷ niệm không thể quên. Ấn tượng nhất là khi đến nhà giàn DK1. Hôm ấy sóng hơi lớn. Khi xuồng chở mọi người áp sát chân nhà giàn thì đột nhiên sóng cao 4 mét làm cho xuồng va đập, suýt lật, dây chão bị đứt, xuồng chồm trên sóng. Trong tích tắc, tưởng như “vĩnh biệt” đất liền nhưng rồi với sự dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân, xuồng áp sát nhà giàn an toàn. Đến bây giờ bọn em vẫn chưa hết kinh hoàng. Nhưng khi lên đến nhà giàn thấy anh em hải quân vất vả, da ai cũng sạm lại, xung quanh chỉ mênh mông biển, các em đã quên hết sợ hãi, cất lời hát cho các anh nghe mà nước mắt đẫm môi. Các em cũng quên hết ngại ngần cứ thế mà ôm thân thương các anh, như người thân yêu của mình tự bao giờ”- Uyên Nhi tâm sự.

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Hôm ấy, ở Trường Sa có một câu chuyện bất ngờ và đầy thú vị. Chuyện là, khi đoàn công tác của chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn, sau buổi lễ dưới chân cột mốc chủ quyền, có một sĩ quan Hải quân háo hức tìm các nghệ sĩ Đam San. Khi anh đang đưa mắt tìm kiếm thì Công Hưng, biên đạo múa- Trưởng đoàn múa Nhà hát Đam San, thốt lên: Tuấn! Sau mấy giây định hình, họ lao vào ôm chầm lấy nhau, trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Thì ra, hai người đã có duyên gặp nhau từ gần 10 năm trước. Bữa đó, khi Đoàn Đam San đi lưu diễn từ Nha Trang về, dọc đường gặp một chiến sĩ Hải quân trông dáng vẻ rất mệt mỏi, ngập ngừng đón xe đi nhờ. Công Hưng liền nói với anh em dừng xe lại với suy nghĩ: “Phải giúp đỡ bộ đội, chắc về thăm nhà”. Sau đó, Tuấn cho biết hiện đóng quân ở Trường Sa, về phép thăm nhà. Tuấn có người bà con ở thị trấn Kbang, nên về thăm, nào ngờ khi đến ga Diêu Trì thì Tuấn bị kẻ gian móc ví, hết nhẵn tiền, đành đi bộ từ đó về Gia Lai.

Vượt đèo An Khê đang mệt và đói may gặp được Đoàn Đam San. Anh chị em trong đoàn đã quyên góp tiền, giúp đỡ Tuấn… Chuyện qua đã lâu nhưng hôm nay nghe có người Gia Lai đi thăm đảo, Tuấn tìm đến tri ân, may mắn lại gặp đúng ân nhân... Mới đó mà thiếu úy Tuấn đã ở đảo gần 10 năm.

Người xưa có câu: “Hữu duyên thiên lý năng thiên ngộ “, vận câu thơ này giữa các nghệ sĩ Đam San với chiến sĩ Trường Sa, thật đúng. 

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm