Đầu Xuân đi hái lộc rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày đầu Xuân mới này, người dân ở các huyện miền núi Quảng Nam lại tất bật đi hái lộc rừng. Lộc của rừng mùa này là những cây chít đót hoa nở trắng rừng và người dân kéo nhau đi lấy chít đót như đi hái lộc đầu Xuân vậy.

Sau những trận mưa rừng, mùa này huyện miền núi Trà My đầy nắng ấm và cũng là mùa của những cây chít đót. Tại xã Trà Tập, những đoàn người đi hái lộc đầu năm miệng nhai trầu đỏ thắm, trên tay là một con dao nhỏ. Mỗi chuyến vào rừng tìm cây đót, người ta tranh thủ thu hoạch cả lá đót, bông đót và con sâu đót.

 

Mùa này, nhiều người dân đi lấy chít đót về bán nâng cao thu nhập. Ảnh: H.C
Mùa này, nhiều người dân đi lấy chít đót về bán nâng cao thu nhập. Ảnh: H.C

Công dụng của bông đót làm chổi thì ai cũng biết, lá đót thì để gói những loại bánh đặc thù của người dân vùng này; còn sâu đót thì là một thứ dược liệu quý để ngâm rượu. Rượu hoặc cốm sâu đót là vị thuốc rất bổ dưỡng đối với những người mới ốm dậy, trẻ suy dinh dưỡng và người già. Dưới thời Nguyễn, Thái Y viện tìm mua sâu chít để bào chế “ngự tửu”, mỗi lạng sâu trả một lạng bạc-một số tiền rất lớn.

Theo nhiều tài liệu y khoa thì đồ uống này có tác dụng tốt với cả nam giới lẫn nữ... bởi thịt sâu chít vốn là món tăng cường sinh lực không chỉ dành cho cánh đàn ông mà còn giúp cải thiện da và sức khỏe phụ nữ, cho những người thể trạng yếu. Được cho là “đông trùng hạ thảo (một trong những loại dược liệu quý) của Việt Nam, sâu chít càng trở thành tâm điểm chú ý khi có khảo cứu khoa học về tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tráng dương được công bố...

Anh Hồ Văn Thời (thôn 2, Trà Tập) cho biết: “Mình cứ kiếm được 10 cây đót thì bó lại một bó, bán được 1.500 đồng. Làm một ngày đêm, mỗi người cũng có thể kiếm được khoảng 80 ngàn đồng, người khỏe có thể kiếm gấp đôi. Công việc này phù hợp với cả những phụ nữ, trẻ em và người già nên ai cũng làm được. Mặc dù công đoạn bứt đót khá vất vả, nhiều trường hợp phải đối mặt với hiểm nguy bởi đót thường mọc từng bụi, lùm ở nơi có độ dốc cao, muốn bứt đót phải dùng hai chân trụ vững ở độ nghiêng khá cao, đồng thời một tay nắm giữ lá đót trên cùng, tay còn lại nắm bông đót kéo ngược về phía sau!”.

Bù lại những vất vả, thu nhập từ bứt đót cũng khá. Anh Hồ Văn Thời và nhiều người khác cho biết, trung bình mỗi ngày các anh bứt được khoảng 50-70 kg, nếu cân tươi thì 2.500 đồng/kg cho loại bông đót mới trổ và 2.000 đồng/kg cho loại đót già. Còn phơi khô thì thương lái sẽ mua với giá 8.000 đồng/kg. Mỗi ngày sau khi trừ ăn uống, bình quân thu nhập khoảng 80.000-100.000 đồng/ngày…, đó là một khoản thu nhập đáng kể với người dân vùng cao nghèo khó này.

Bà Nguyễn Thị Thu- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết: “Mỗi năm, người ta khai thác từ khu vực này khoảng vài trăm tấn đót tươi. Việc ăn nên làm ra của các doanh nghiệp sản xuất chổi đót đang tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở vùng núi. Thời điểm này học sinh được nghỉ Tết cũng lũ lượt theo cha mẹ lên núi chặt đót về bán, các em nói đó là “lộc Xuân” dành để mua đồ chơi, ăn quà... và cũng góp phần giúp đỡ gia đình!”.

Không chỉ với xã Trà Tập, mà người dân xã Trà Mai, Trà Dơn, Trà Leng và nhiều xã miền núi khác mùa này cũng tấp nập người đi bứt đót. Lộc rừng đầu năm hy vọng sẽ đem lại nguồn lợi cho người dân, khởi đầu cho một năm mới khấm khá hơn.

Hữu Cường

Có thể bạn quan tâm