(GLO)- Người mà chúng tôi nói đến ở đây là Thiếu úy Hoàng Việt Đức (ở thôn Tân Bình, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đang công tác tại Bệnh xá huyện đảo Trường Sa.
Đầu giờ chiều, chúng tôi đến thăm Bệnh xá huyện đảo Trường Sa. Trong khi chờ liên hệ công việc với lãnh đạo đơn vị, bỗng có tiếng nói vọng từ phía sau: “Anh, chị ơi! Có phải anh, chị là phóng viên Báo Gia Lai không?”. “Đúng rồi đó đồng chí!”. “Em là Đức, ở Gia Lai này”. Nơi biển đảo của địa đầu Tổ quốc, gặp đồng hương là niềm vinh hạnh. Đức với chúng tôi quấn quýt như người thân lâu ngày gặp nhau. Dưới tán bàng vuông dịu mát trong sân Bệnh xá huyện đảo Trường Sa, chúng tôi cùng hàn huyên trò chuyện.
Phóng viên Phương Loan chụp ảnh với Thiếu úy Hoàng Việt Đức. Ảnh: N.T |
Thiếu úy Hoàng Việt Đức là cựu học sinh của Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai). Sau đó, anh học y khoa. Ra trường, Đức công tác tại Trạm xá Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Binh đoàn Tây Nguyên. Sau đó, viết đơn tình nguyện công tác tại đảo Trường Sa từ những ngày đầu khi biết Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 tại vùng biển của Việt Nam. “Là người lính mặc áo blu, tôi xác định sẵn sàng đến bất kỳ nơi đâu khi đồng đội và nhân dân cần mình. Tôi muốn ra đây là để góp phần nhỏ bé của mình giữ gìn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”-Đức chia sẻ.
Sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình và bạn bè là động lực để Đức viết đơn tình nguyện ra hải đảo công tác. Một thời gian sau ngày gửi đơn, Đức nhận chỉ lệnh công tác tại đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). “Nhận quyết định tôi mừng nhưng cũng lo. Nghe nói ở Trường Sa còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, không biết mình ra đó sẽ như thế nào. Nhưng khi đến nơi, tôi thấy quyết định của mình là đúng đắn. Dù mới sống trên đảo ít ngày nhưng tôi đã cảm nhận được sự ấm áp của nghĩa tình đồng đội. Trường Sa thật sự không xa vì cả nước luôn hướng về. Tôi rất tự hào là người lính ở Trường Sa, để được chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ, và người dân trên đảo cũng như ngư dân bám biển trên vùng biển này”-Đức tâm sự.
Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề. Đây là cái Tết đầu tiên Đức xa gia đình, xa Phố núi thân thương để đến với nơi đầu sóng ngọn gió. Tết đến Xuân về, ai cũng muốn cùng gia đình người thân sum vầy, nhưng Đức cũng như những người lính đã gác lại tình cảm riêng tư ấy để ngày đêm canh gác bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày chúng tôi rời đảo, Đức tiễn đến cầu cảng. Tàu 561 nổ máy bắt đầu rời đảo, chúng tôi nghe tiếng Đức nói vọng từ dưới cầu cảng như át tiếng sóng để chúc chúng tôi bình an trong chuyến hải trình và gửi lời chúc mừng năm mới đến bạn bè, gia đình và người dân Gia Lai năm mới an lành.
Phương Loan-Hoành Sơn