(GLO)- Đêm 7-2 (tức 29 Tết), chương trình Lễ hội Giao thừa chào đón năm mới với chủ đề “Mừng Đảng quang vinh-Mừng Xuân Bính Thân 2016” đã diễn ra trong không khí ấm áp, vui tươi tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).
Dự lễ hội, về phía Trung ương có ông Ksor Phước-Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội; Trung tướng Ksor Nham-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần và Kỹ thuật (Bộ Công an). Các đoàn khách quốc tế có Phó Tư lệnh Quân khu I (Quân đội Hoàng gia Campuchia) và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Stung Treng (Vương quốc Campuchia).
Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Các đồng chí lão thành cách mạng; nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh và TP. Pleiku.
Khi thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới chỉ còn tính bằng phút, dưới tiết trời se lạnh của Phố núi đêm giao thừa, hàng ngàn người dân trong và ngoài TP. Pleiku với áo ấm, khăn choàng tập trung về Quảng trường Đại Đoàn Kết để vui chơi và chờ đón lễ hội mừng năm mới. Khắp các ngả đường chính dẫn về nơi này như: Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Anh Hùng Núp, Phạm Văn Đồng… dày đặt xe cộ qua lại. Lực lượng cảnh sát giao thông phải tập trung điều tiết và phân luồng tại những vị trí trọng tâm, đảm bảo cho người dân có thể đón một đêm Giao thừa ấm áp, trọn vẹn, an toàn nhất.
Anh Rơ Châm Au cùng nhóm bạn có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết từ 19 giờ. Anh Au cho biết, năm nào thanh niên trong làng (huyện Ia Grai) cũng rủ nhau ra Pleiku để xem lễ hội Giao thừa mừng năm mới. “Năm nay lạnh, đi xe máy cứng hết cả tay nhưng vui lắm. Chúng mình đi sớm để có nhiều thời gian vui chơi hơn và đứng được phía trước xem múa hát cho trọn vẹn”- anh Au phấn khởi.
Còn chị Tạ Thị Hường (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vừa suýt soa vì lạnh vừa vui vẻ chia sẻ: “Cảm giác của tôi lúc này đang rất hồi hộp mong đợi thời khắc Giao thừa. Mặc dù trời lạnh nhưng vợ chồng tôi vẫn đưa các con đến đây để xem văn nghệ và thưởng thức pháo hoa, hy vọng mọi điều may mắn sẽ đến với cả nhà trong năm mới”.
Phần văn nghệ chào mừng lễ hội do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch tỉnh Gia Lai biểu diễn kéo dài 30 phút. Những giai điệu vui tươi mừng Đảng, mừng Xuân ...được các chàng trai, cô gái thể hiện một cách trẻ trung, năng động và đầy tươi mới. Đúng 23 giờ, chương trình Lễ hội Giao thừa chính thức bắt đầu với phần biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Sân khấu trở nên lung linh và rực rỡ sắc màu với cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hoa mai, hoa đào trong nhạc phẩm “Niềm tin ấy”-một sáng tác của nhạc sỹ Đức Trịnh. Các diễn viên trong trang phục lộng lẫy cùng 2 chú rồng hội tụ dưới Tượng đài Bác Hồ muôn vàng kính yêu, cất cao lời hát mừng Đảng, mừng Xuân mới.
Chia tay năm Ất Mùi 2015, đón chào năm mới Bính Thân 2016, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai rất đỗi tự hào với những thành quả đạt được trong năm qua. Đây chính là tiền đề, là động lực quan trọng để Gia Lai vững tin bước vào năm mới. Chính vì thế, trong chương trình Lễ hội Giao thừa năm nay, mọi người đã cùng nhau điểm lại 10 sự kiện nổi bật của tỉnh nhà trong năm 2015. Đó là sự thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020; là việc khánh thành cột mốc số 30 trên biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia; khánh thành đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Quốc lộ 19 và Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng sân bay Pleiku; khánh thành công trình Đền tưởng niệm Liệt sỹ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ; tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Gia Lai lần thứ IX và các lễ kỷ niệm: 40 năm ngày giải phóng tỉnh, 70 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và 50 năm chiến thắng Pleime; đón nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm sử thi của người Bahnar ở 4 huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kông Chro, Kbang và Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở huyện Phú Thiện; cùng với đó, lần đầu tiên bóng đá Gia Lai xuất khẩu cầu thủ cũng là sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân trong và ngoài tỉnh…
Sau phần điểm tin, mọi người lại cùng nhau hòa mình với các màn trình diễn nghệ thuật. Cả Quảng trường như “nóng” lên với tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả trước sự xuất hiện của 2 chú rồng uốn lượn trên sân khấu. Từ xưa đến nay, cùng với lân, múa rồng được xem là điểm nhấn trong các lễ hội đầu năm. Rồng biểu tượng cho quyền uy, trí tuệ, được tin là sẽ mang tới may mắn, thịnh vượng. Các diễn viên đã phối hợp với nhau rất nhịp nhàng trong các động tác rồng nhào lộn, nối đuôi nhau, cống hiến cho người xem những màn trình diễn ấn tượng, bắt mắt. Anh Lê Phan Tấn Đại-một thành viên trong đội múa rồng chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị và tập luyện thường xuyên cách đây hơn cả tháng để chuẩn bị cho đêm diễn. So với năm ngoái, năm nay trong quá trình tập cũng hơi vất vả hơn do có nhiều động tác khó và phức tạp. Tuy nhiên ai cũng cố gắng hết mình để có thể hoàn thành bài diễn một cách tốt nhất”.
Bên cạnh những bài hát sâu lắng, nhẹ nhàng ca ngợi Đảng, đất nước, biển đảo quê hương là liên khúc 8 bài hát với sự hòa âm, phối khí sôi động, tiết tấu nhanh xoay quanh chủ đề mùa xuân, tuổi trẻ và khát vọng tình yêu. Dưới bầu trời Phố núi đêm 29 lộng gió, các nam thanh nữ tú cận kề, duyên dáng trong những điệu múa, bước nhảy, chúm chím môi cười: “Anh cho em mùa xuân/Nụ hoa vàng mới nở/Chiều đông nào nhung nhớ”…và “Mãi cho em mùa xuân/Mãi cho em tình yêu/Mãi cho em ước mơ/Mãi cho em lời ru…”. Thông qua giai điệu, vũ đạo rộn ràng cùng những ca từ tươi vui, các nghệ sỹ đã khắc họa nên một khung cảnh mùa xuân đẹp đẽ và căng tràn sức sống ngay trên sân khấu. Ca khúc “Gia Lai 40 năm xây dựng và phát triển” cũng tái hiện cho khán giả về một Gia Lai tươi đẹp đang khoác lên mình một chiếc áo mới rạng rỡ, no ấm hơn.
Trong chương trình lễ hội đón Giao thừa năm nay, người dân Gia Lai còn được cùng nhau theo dõi không khí giao thừa tại các điểm cầu trên cả nước và lắng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước được tiếp sóng từ Đài Truyền hình Việt Nam.
Dưới bầu không khí ngập tràn sắc xuân ấy, cảm xúc hân hoan dường như lan tỏa cả không gian rộng lớn nơi Quảng trường Đại Đoàn Kết. Riêng các diễn viên đứng trên sân khấu, cảm xúc ấy càng trở nên sâu sắc và ý nghĩa. “Đây là năm thứ 2 tôi góp mặt trong đội hình múa rồng biểu diễn ở lễ hội Giao thừa đón mừng Xuân mới. Tôi và thành viên trong đội ai cũng cảm thấy tự hào”-anh Đại nói. Cùng chung tâm trạng, ca sĩ Y Ben (Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cũng bày tỏ: “4 năm tham gia biểu diễn trong lễ hội Giao thừa mừng Xuân, năm nào tôi cũng cảm thấy rất vui. Sau khi cống hiến cho mọi người lời ca, tiếng hát, chúng tôi cùng nhau đón năm mới tại sân khấu với những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu”.
Đúng giao thừa, pháo hoa bắt đầu tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời Phố núi, báo hiệu cho thời khắc thiêng liêng. Giây phút đợi chờ nhất đã đến, tất cả mọi người cùng hướng mắt về phía những chùm pháo hoa đang bung tỏa, nở rộ đầy kiêu hãnh trên bầu trời. Tiếng “ồ” ngạc nhiên của bọn trẻ, tiếng khen tặng, trầm trồ chen nhau trong âm thanh đì đùng với pháo nổ làm rộn rã, náo nhiệt cả Quảng trường. Tiếng chiêng cồng ngày một rộn rã; những vòng xoan cứ nhịp nhàng tiếp nối nhau trong ánh sáng rực rỡ, lung linh của đèn màu. Mọi người cùng vít cong cần rượu và không quên trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới. Xuân Bính Thân 2016 đã chạm ngõ mọi nhà!
Hồng Thi-Đỗ Hằng
Ảnh: Nguyễn Giác