Thời sự - Bình luận

Giúp đỡ thiết thực và hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mưa bão rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình đồng chí, nghĩa đồng bào mãi còn ở lại cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đang gây ra hậu quả rất nặng nề cho nhân dân các địa phương phía Bắc.

Thấu cảm trước nỗi mất mát của đồng bào, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… đã dành rất nhiều sự chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất đến người dân ở vùng bão lũ, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân.

Điều đầu tiên hiện nay là không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế... Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đến vùng lũ Bắc Giang ngày 10-9.

Cấp ủy, chính quyền các cấp vùng bão lũ cần nắm chắc địa bàn để kịp thời tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm đến tận tay người dân trong vùng bị cô lập một cách nhanh nhất.

Tiếp đến là các giải pháp, chính sách để khôi phục hạ tầng, hỗ trợ sinh kế cho người dân mà Chính phủ sẽ phải triển khai khẩn trương nhất.

Trong những ngày qua, rất nhiều nhóm cứu hộ, thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đang đến với vùng bão lũ, đó là điều trân quý, tất cả đều minh chứng cho tình cảm, nghĩa đồng bào của người Việt Nam. Nhưng từ đây cũng đặt những vấn đề để làm sao việc hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ phải đúng đối tượng, đúng mục tiêu, thiết thực nhất, hiệu quả nhất.

Đơn cử mấy ngày qua, rất nhiều ca nô, thuyền được đưa lên vùng ngập sâu ở tỉnh Thái Nguyên để giúp bà con vùng ngập sâu, nhưng lại thiếu người có khả năng lái.

Việc lái thuyền, ca nô ở đồng bằng khác với ở vùng trung du, miền núi, nên nếu không bảo đảm đủ kỹ năng thì việc hỗ trợ sẽ không hiệu quả, thậm chí gây mất an toàn, người đi thiện nguyện có thể trở thành nạn nhân. Địa hình lũ, lụt các miền khác nhau, miền núi phía Bắc dễ có lũ ống, lũ quét, sẽ không bảo đảm an toàn nếu người cứu hộ, làm từ thiện không có kỹ năng.

Việc cứu hộ, tình nguyện cũng cần có sự điều phối giữa các địa bàn, không tập trung vào một chỗ, không để việc thiện nguyện thành “phong trào”.

Trong khoảng 2 ngày người dân bị cô lập, người dân cần nhất đồ ăn nhanh, lương khô, nước uống; cần hạn chế mang mì tôm. Việc mang áo phao cũng cần tính toán để không quá dư thừa.

Những ngày tiếp theo, người dân vùng lũ sẽ cần những suất cơm có rau, thậm chí bánh chưng (sử dụng trong 1-2 ngày); một số loại thuốc thiết yếu như men tiêu hóa. Cũng cần hỗ trợ thêm cho người dân vùng lũ những dụng cụ thiết yếu như bếp cồn, bếp gas để nấu ăn, sạc điện thoại dự phòng vì họ bị mất điện; sách vở, bút cho học sinh...

Mặt khác, các nhóm cứu hộ cần có sự kết nối với chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang ở địa phương để có đầu mối điều tiết, phân phối, bảo đảm việc hỗ trợ đồng bào nơi bão, lũ thực sự thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đến từng chi tiết nhỏ như có vật dụng cần thiết dành riêng cho phụ nữ, trẻ em.

Bão, lũ xảy ra với hậu quả để lại thật nặng nề, như một nguồn năng lượng tiêu cực. Nhưng đối lập với nó, nguồn năng lượng tích cực chính là tấm lòng của người dân cả nước dành cho đồng bào vùng lũ. Mưa bão rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình đồng chí, nghĩa đồng bào mãi còn ở lại cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Và những nghĩa tình đó sẽ càng trở nên giá trị khi chúng ta hỗ trợ bà con đúng nhu cầu, có hiệu quả, công khai minh bạch, để khi thiên tai qua đi, chỉ còn đọng lại 2 tiếng “đồng bào”.

Theo PHAN THẢO (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm