Biển đảo Việt Nam

"Học kỳ trên biển"-Trải nghiệm thú vị của tuổi trẻ Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 5-5, gần 200 người từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng có mặt tại TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho chuyến hành trình với niềm hân hoan xen lẫn với sự hồi hộp. Bạn Nguyễn Đào Phương Thúy-sinh viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em mơ ước được đến với Trường Sa từ rất lâu rồi và mơ ước ấy hôm nay đã thành hiện thực. Cả tuần nay em sống trong tâm trạng bồi hồi, lo lắng và chờ đợi”.

Đúng 7 giờ 30 phút, tàu 996 bắt đầu rời cảng Cát Lái thẳng hướng Trường Sa. Anh Nguyễn Anh Tuấn-Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ: Mục đích của hành trình lần này nhằm giáo dục, tuyên truyền cho các bạn đoàn viên, thanh niên hiểu hơn, có tình cảm sâu sắc hơn với biển đảo quê hương.
 

Ảnh: Phạm Quang Tiến
Ảnh: Phạm Quang Tiến

12 ngày đêm lênh đênh trên biển, các bạn trẻ đã được đến với các đảo và Nhà giàn DK1. Thời gian thật ngắn ngủi nhưng đã mang đến cho mỗi người cảm nhận thế nào là “gió muối khô mặn chát bờ môi”, thế nào là “nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép”. Đặc biệt hơn là những cảm xúc tự hào trào dâng khi được dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên các vùng biển, đảo; khi được thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi sóng gió. Những giọt nước mắt lưu luyến, những cánh tay vẫy chào tạm biệt không muốn dừng khi chào nhau giữa biển trời và những người lính đảo...

Nhiều lắm những cảm xúc không thể nói hết, nhưng tựu chung lại trong mỗi người là sự yêu mến, cảm phục và tự hào về sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc được nhân lên trong thời đại mới, sức mạnh ấy ở trong mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Tham dự “Học kỳ trên biển” lần này, các thành viên trong đoàn có cơ hội chia sẻ những khó khăn, vất vả với các chiến sĩ trên tàu 996; giao lưu với những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương trên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Các bạn trẻ mang tình cảm của đất liền gửi gắm qua những ca khúc, những bài thơ xúc động, gửi tặng các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.
 

Ảnh: Phạm Quang Tiến
Ảnh: Phạm Quang Tiến

Thời gian của hành trình thật ngắn nhưng những thành quả thu được cho mỗi người thì không hề nhỏ, đó chính là những kiến thức thực tế về biển, đảo, về cuộc sống của quân và dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Đây sẽ là hành trang vô cùng quý báu cho mỗi bạn trẻ trong công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo quê hương khi các bạn về với đất liền, về với hoạt động xung kích ở quê hương mình.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn-Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân nhận xét: “Học kỳ trên biển” lần này có sự tương tác đặc biệt giữa đất liền với đảo xa. Các bạn trẻ đất liền mang hơi ấm quê hương cùng những tình cảm thân thương nhất cho quân, dân trên các đảo, nhà giàn và đó sẽ là động lực vô cùng lớn để mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân thêm vững tay súng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Phạm Quang Tiến

Có thể bạn quan tâm