(GLO)- Số lượng không nhiều, song chúng luôn được ba má tôi xem như tài sản vô giá. Đó là những vật dụng phải chắt chiu lắm mới có được trong cái thời bao cấp khó khổ. Bên dòng hồi ức của người cùng thời, các kỷ vật này đã giúp những người “sinh sau đẻ muộn” như tôi cảm nhận và hình dung phần nào giai đoạn lịch sử 10 năm thuở ấy…
Những kỷ vật của thời bao cấp chứa đựng giá trị tinh thần vô cùng to lớn trong cuộc sống hiện đại. Ảnh: M.T |
Sau bữa cơm trưa, ba tôi không nằm nghỉ như mọi hôm mà lục lọi mấy món “đồ cổ” của gia đình ra lau chùi. Thỉnh thoảng, ba vẫn hay làm như thế mỗi khi lòng thấy nhớ và muốn nhớ.
Chiếc máy cúp (ba má tôi gọi thế) mang tên National Solid State (Model SG-660D) của Nhật có chức năng nghe radio và hát đĩa than, được ba cẩn thận lấy ra từ một bịch ni lông dày. Dường như cũng đã rất lâu rồi tôi mới có dịp ngắm nhìn lại nó kể từ sau cái ngày xa nhà vào TP. Hồ Chí Minh học tập. Hồi còn bé, ngoài lời ru à ơi của má, nó chính là thứ giúp tôi có được giấc ngủ ngon. Nó gắn bó với tôi, cùng tôi lớn lên cho tới ngày không thể làm tròn chức năng vốn có của mình được nữa.
Vừa tỉ mỉ lau đi lớp bụi bám trên thân máy, ba tôi vừa kể: Năm 1982, cũng vì “khát” tin tức quá nên ba má mới “bấm bụng” bỏ ra 1 chỉ vàng (vàng năm đó có giá 200.000 đồng/chỉ) để mua lại chiếc máy cúp cũ cùng mấy chục đĩa hát. Từ đó, cả ngày đi làm ngoài đồng thì thôi, tối về là ba tôi lại mở radio ra rả suốt từ 6 giờ tối đến tận 11 giờ đêm. Các bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam thời điểm ấy chủ yếu nói về công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa; chương trình ca nhạc, giải trí cũng chứa đựng nội dung tương tự.
Tôi cầm chồng đĩa than bên cạnh và đếm. Cả thảy 43 đĩa lớn, nhỏ. Trong đó, chỉ có 1-2 đĩa nhạc quê hương, còn phần lớn đều là những vở cải lương tuồng cổ, tân cổ thời đại như: Quan Âm Thị Kính, Tình mẫu tử, Phụng Nghi Đình, Hàn Mặc Tử, Gió giao mùa, Sông dài, Khối tình Trương Chi, Chuyện Tấm Cám… của các soạn giả Viễn Châu, Yên Sơn, Ngọc Điệp, Xuân Phát… nổi tiếng một thời. Vì xếp trong tủ lâu ngày nên một số vỏ đĩa đã bị lũ gián gặm nhấm nham nhở; nhiều dòng chữ cũng đã bạc màu. Má cầm cái đĩa “Chuyện Tấm Cám” đưa cho tôi rồi nhìn ba nhắc nhớ: “Từ nhỏ đến tận hết năm cấp I nó vẫn chưa hết mê tuồng này. Tối nào cũng bắt mở, nghe hết mới chịu đi ngủ, riết mà cả nhà thuộc lòng luôn”. Hai cha con lặng lẽ nhìn nhau cười. Cái đĩa, sau này có khi cũng là một kỷ vật của tôi cũng nên.
Chiếc máy bây giờ vẫn có thể dò đài radio bình thường, chỉ tiếc là không thể chạy được đĩa than nữa vì bị hư đầu đọc. Trước đây, cũng bởi không cam tâm nhìn “đứa con tinh thần” của mình phải xếp vào tủ, ba tôi đã mang nó đi khắp nơi sửa chữa. Chẳng đặng, ba chuyển sang dò hỏi mua phụ kiện thay thế nhưng rồi cũng không thành. Cuối cùng vẫn phải cất đi, lâu lâu nhớ lại lấy ra lau chùi, ngắm nghía.
Bàn ủi con gà. Ảnh: M.T |
Bên cạnh máy cúp, cái bàn ủi con gà cũng được ba má tôi cực kỳ trân quý dù đã cũ kỹ và gỉ sét. Mấy năm gần đây, người ta lùng sục mua bàn ủi này với giá tiền triệu rồi lên nhiều triệu. Vài người biết tin tìm đến nhà nhưng ba má tôi nhất quyết giữ lại, đơn giản vì với ông bà nó là kỷ vật, là niềm vui tinh thần. Chiếc bàn ủi có hình tam giác, bằng gang đặc, tay cầm bên trên được bọc gỗ. Cần gạt đóng mở nắp (để bỏ than vào bên trong) có hình con gà trống bằng đồng nên mọi người quen gọi là bàn ủi con gà. Má bảo không còn nhớ rõ đã mua chiếc bàn ủi than này vào thời gian nào, với giá bao nhiêu. Sau này, khi điện lưới quốc gia đã phủ sóng gần như cả nước, nhà nhà sắm bàn ủi điện, má tôi vẫn thích dùng bàn ủi con gà để ủi quần áo cho tôi đi học hoặc cho cả gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về.
“À!”-ba tôi thốt lên rồi đứng phắt dậy đi lên phòng khách như chợt nhớ ra một điều gì quan trọng. Tôi dõi theo bước đi của ông bằng ánh mắt tò mò lẫn dò xét. Từ chiếc tủ gỗ đã bạc màu sơn vì thời gian, ba lấy ra một bọc ni lông nhỏ được gói gém khá kỹ lưỡng. Bên trong là 2 tấm thẻ xã viên của ba má được cấp vào năm 1977 khi tham gia vào Hợp tác xã mua bán cơ sở xã Cư An, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai-Kon Tum; 2 biên lai thu tiền cổ phần và xã phí hợp tác xã (5 đồng 2 hào/biên lai); 2 phiếu vải năm 1978 do Ty Thương nghiệp tỉnh Gia Lai-Kon Tum cấp và 2 tờ công trái xây dựng Tổ quốc (100 đồng/tờ) năm 1985. Ba hào sảng cho biết, đây là một số minh chứng rõ nét nhất cho cái thời bao cấp kéo dài 10 năm (1976-1986) mà ba má tôi còn lưu lại. Nói nôm na, giai đoạn này, tất cả mọi thứ đều do Nhà nước bao cấp hết, từ cây kim, sợi chỉ, quần áo, vải vóc đến lương thực, thực phẩm hàng ngày. Muốn mua gì phải có tem phiếu, cực kỳ hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Đất do Nhà nước quản lý chứ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như bây giờ nên sản xuất cũng chung. Đi ra đồng phải đúng giờ quy định, sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ, tới trễ là bị phạt trừ vào công.
Ba còn lý giải thêm: “2 phiếu vải (4 mét/phiếu) là do ba má tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong của An Khê đi khai hoang, xây dựng các cánh đồng từ năm 1976 đến năm 1978 mới được cấp. Riêng công trái xây dựng Tổ quốc năm 1985, Nhà nước bắt buộc ai cũng phải mua và đảm bảo giá trị tiền mua công trái, lãi hàng năm 2%, thanh toán đúng hạn 10 năm”.
Sau câu chuyện, những món đồ lại được ba tôi cẩn trọng cất đi. Chắc chắn, một ngày nào đó không xa, chúng lại được ông mang ra nhìn ngắm và hoài niệm. Điều này cũng chứng tỏ rằng, khi cuộc sống ngày một phát triển theo hướng hiện đại và đủ đầy hơn thì những kỷ vật của một thời bao cấp lại càng cho thấy giá trị tinh thần vô cùng lớn của nó; tất nhiên không chỉ với những người từng đi qua giai đoạn ấy mà còn với cả thế hệ trẻ chúng tôi bây giờ.
Mộc Trà