(GLO)- Cuối năm thường có nắng hanh vàng, cái nắng vàng pha chút lành lạnh cuối đông hòa với không khí ấm áp đầu xuân làm cho con người cảm thấy nhớ quê.
Mỗi năm tôi thường ra chợ chọn cho mình một chậu mai vàng chuẩn bị đón Tết xa quê. Năm nào cũng vậy, dù Tết quê hay Tết phố cũng phải có dưa mứt, rượu thịt và mai vàng, đó là thói quen của tôi. Những chậu mai vàng được người trồng chăm sóc cẩn thận, nụ hoa mơn man, viên mãn hé nở chờ đón giao thừa trông thật trẻ trung và tươi thắm.
Có lẽ qua đôi bàn tay chuyên nghiệp của nhà vườn mà những cánh mai kia trở nên đúng kỳ, đúng hẹn và bền bỉ với mùa xuân, không như những cành mai rừng ngày xưa tôi và đám bạn thường rủ nhau đi chặt. Ngày đó, chúng tôi thương kéo nhau lên ngọn đồi cách xa làng vài cây số để lấy mai rừng về đón Tết.
Ai cũng chọn cho mình một cành mai to khỏe, rắn chắc và nhiều cành mang về. Cành mai được nhặt hết lá, gốc cưa bằng và cho vào lửa thui nhẹ đủ nóng héo gốc rồi cắm vào lọ nước có pha ít đường mía. Vài ngày sau nụ hé lên, búp dần rồi bung cánh kịp dịp đầu xuân. Những cành mai rừng tuy đơn giản nhưng làm nên một cái Tết thật đặc trưng, nhà nào cũng có. Nó như một linh hồn gắn chặt với con người mỗi khi Tết đến xuân về.
Năm rồi tôi về quê đón Tết. Chiều cuối năm kịp chạy lên ngọn đồi năm cũ với hy vọng đón một cành mai cho dù đã muộn màng. Ngọn đồi vẫn còn đó, lối mòn đã rộng hơn, khóm mai năm nào bây giờ không còn nữa. Thì ra phong trào chơi mai, cây cảnh mà người ta ở khắp nơi đã đổ về lấy hết cả rừng mai, kể cả những cây to nhất. Tôi hụt hẫng ra về với lòng bâng khuâng day dứt mới chợt nhớ ra rằng nơi mình công tác cũng có mấy chậu mai “cổ thụ” người ta đưa từ đâu về, Tết này chưa kịp cho hoa. Cũng may góc sân nhà có cành mai tôi trồng lúc nhỏ năm nay cũng đã nở vàng.
Đào Tấn Trực