Biển đảo Việt Nam

Màu xanh trên đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ấn tượng của tôi khi tới Trường Sa là nơi đây có rất nhiều cây xanh. Từ nơi xuồng cập bờ vào đến chỗ trú chân, rồi khu vực Đền tưởng niệm liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa, doanh trại quân đội… đều rợp bóng cây. Màu xanh ấy làm cho thời tiết đảo xa vốn khắc nghiệt bỗng trở nên dịu mát, dễ chịu, khác hoàn toàn với suy nghĩ của tôi.

Màu xanh ở Trường Sa được tạo bởi rất nhiều loài cây nhưng chủ yếu là bàng vuông và cây tra. Đây là 2 loại cây xuất hiện nhiều nhất từ đầu đến cuối đảo. Sinh trưởng, phát triển ở nơi thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt nhưng trông chúng cứng cáp, xanh tốt ngay từ khi còn là cây non. Những cây trưởng thành gốc xỏa ra bám sâu xuống đất, rất nhiều cành nhánh, thân u nần, xù xì, vẻ dư thừa sự cứng cáp, chịu đựng.

 

Trồng cây trên đảo Trường Sa. Ảnh: K.N.B
Trồng cây trên đảo Trường Sa. Ảnh: K.N.B

Mấy ngày cùng sinh hoạt, thăm hỏi, làm việc với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, tôi được nghe kể nhiều về loài cây này. Không ai biết chính xác nó xuất hiện ở đây vào lúc nào, có lẽ từ khi đảo xa lọt lòng đại dương cũng là lúc những mầm xanh sống xuất hiện, đem lại sức sống cho đảo. Gốc tra 5 thân bật lên từ cát mặn, sần sùi u nần, bộng hốc, đan vào nhau tạo thế ấn tượng trước ngôi chùa Trường Sa. Không biết vì lý do gì, nhưng bàng vuông và tra phát triển rất tốt ở những nơi có người hay lại qua, như ở khu vực chùa, bộ đội trú quân. Trong đất liền, tôi cũng có nghe điều này. Có người lý giải là vì chúng được hơi người tiếp sức, thi thoảng cũng được hưởng thau nước, chút dinh dưỡng từ tay người ban tặng. Đoạn đường từ trung tâm điều khiển không lưu đến sở chỉ huy đảo đẹp đến ngỡ ngàng bởi 2 hàng bàng vuông và tra sum suê, tán đan vào nhau rợp che bóng mát. Có lẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết mới hình thành được con đường xinh đẹp này. Và đó không chỉ là kết tinh của tinh thần trách nhiệm, của nghĩa vụ, mà là tình yêu thiên nhiên tự thân như cơm ăn nước uống hàng ngày của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.

Ngoài 2 loài cây đặc hữu là bàng vuông và tra, nơi đây cũng có rất nhiều loài cây khác như: đa, cọ, đại, thiên tuế, dừa... di thực từ nhiều nguồn: cán bộ đi công tác, chiến sĩ về phép, trở lại đảo mang ra; các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương ra thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ mang ra trồng lưu niệm như tấm lòng của đất liền dành cho đảo xa thân yêu.

Tô điểm cho màu xanh cây cỏ, sức sống Trường Sa, ngoài cây lấy bóng mát còn có  cây cảnh, bon sai, vườn rau xanh của cán bộ, chiến sĩ và rất nhiều loại hoa đến từ khắp các vùng miền: hoa lan, hoa giấy, hoa đại, mười giờ, mẫu đơn (người miền Nam gọi bông trang). “Ôi những bông trang trắng, những bông trang hồng/Như tấm lòng em trong trắng thủy chung/Như trái tim em một màu đỏ thắm/Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm/Vẫn còn đây nước chảy đôi dòng/Hoa lục bình tím cả bờ sông”-lời thơ của liệt sĩ Lê Anh Xuân tự nhiên chợt đến khi nhìn thấy loài hoa khiêm nhường, giản dị trên đảo. Vườn hoa ơn Bác của các chiến sĩ có rất nhiều loài. Và trong số cây xanh quanh vườn, tôi thấy có cả dừa, mù u. Dừng chân dưới tán mù u, đồng nghiệp trẻ tuổi Thu Hương, Văn Việt từ Báo Đak Lak say sưa nghe Phước Thuận (Báo Hậu Giang) kể về loài cây gần gũi thân thương này của người dân miền Tây Nam bộ, gắn với nhiều ca dao, tục ngữ, đố vui . Theo Thuận, mù u thường mọc ở  ven sông, bờ ao, thân có nhiều u nần, gỗ có thể làm thớt, bàn ghế, trái có thể lấy tinh dầu thắp sáng… Cao hứng, Thuận ngân nga: “Nhánh mù u con bướm vàng không đậu, em xa trường…” khiến ai nấy đều bất ngờ thích thú… Theo nhiều cán bộ, hiện có khoảng 85% diện tích Trường Sa được phủ bóng cây xanh, hoa lá. Cũng vì môi trường cảnh quan đẹp, cây xanh nhiều nên chim chóc cũng xuất hiện nhiều hơn. Tất nhiên, đây vẫn là nơi sinh sống chính của các loài chim biển như én, hải âu, mòng và các loài chim di cư tá túc trên chặng đường dài vượt biển hàng năm.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa, cùng với nhiệm vụ hàng đầu là chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản thì trồng thêm nhiều cây xanh, xây dựng cảnh quan đảo tươi đẹp là chỉ tiêu thi đua, là nhiệm vụ không kém phần quan trọng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Cây xanh, hoa cỏ ngoài giá trị về mặt môi sinh, che bóng mát, lọc không khí thì không thể không kể đến giá trị về mặt quân sự quốc phòng. Chính vì quán triệt và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đó mà Trường Sa không ngừng phát triển, vững mạnh và ngày càng tươi đẹp hơn, xứng đáng với niềm tin tưởng và hy vọng của Tổ quốc.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm