Myanmar- Những trải nghiệm thú vị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi đã nghe nói về Myanmar-một đất nước thuần Phật giáo, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà lâu nay vẫn đóng cửa giờ bắt đầu mở cửa để thu hút khách du lịch và phát triển nền kinh tế. Điều đó đã gây một sự tò mò và sự tò mò đó càng được kích thích hơn khi chúng tôi bị thu hút bởi những tấm ảnh chụp về một đất nước, con người vẫn giữ được nét hoang sơ. Với thành phố cổ Bagan cổ kính trong ánh hoàng hôn đẹp đến mê mẩn. Với hồ Inle yên bình trong nắng sớm. Với cầu gỗ Ubein dài nhất thế giới hàng trăm năm tuổi, với những phong tục tập quán lâu đời…  

Tục ăn trầu, bôi thanaka và đàn ông mặc váy

Trải qua hơn 130 km đường đèo nguy hiểm như cung đường ở Hà Giang-Việt Nam trên chiếc xe máy cọc cạch với cảm giác chênh vênh khó tả từ biên giới về thị trấn. Và cuộc hành trình hơn 500 km đi xe khách từ thị trấn, chúng tôi đã đến được Yangon-thủ phủ cũ của Myanmar.

 

 

Điều ngạc nhiên thứ nhất của chúng tôi khi tới Myanmar đó chính là già trẻ lớn bé ai cũng bôi một lớp bột màu vàng trên mặt, cổ và tay. Hỏi ra mới biết đó là cây Thanaka-loại mỹ phẩm truyền thống có màu vàng nhạt, được nghiền nhỏ từ vỏ cây Thanaka và bôi trực tiếp lên mặt. Thanaka giúp chống nắng, làm dịu mát cho làn da dưới cái nắng bỏng rát và gay gắt của Myanmar. Cho nên dù làn da của người dân ở đây đen nhưng da ai cũng mịn màng và hầu như không có mụn. Thanaka trở thành một nét đặc trưng văn hóa mà chỉ có ở Myanmar, mọi người dân trên thế giới đặt một cái tên trìu mến là Nụ cười Thanaka. Người dân vui vẻ bôi giúp Thanaka cho chúng tôi. Họ thấy chúng tôi bôi Thanaka họ lại rất vui, tôi nghĩ họ nhìn chúng tôi chắc cũng giống như mỗi lần chúng tôi thấy người nước ngoài đội nón lá Việt Nam vậy.

Điều ngạc nhiên thứ hai đó chính là đàn ông mặc váy-được gọi chung là Longyi. Lâu nay thì chỉ nghĩ có mỗi đất nước Scotlen là có đàn ông mặc váy, chứ chúng tôi cũng không hình dung được đàn ông nơi đây cũng mặc váy. Nhưng đặc thù váy hai nơi rất khác nhau, ở Scotlen thì đàn ông mặc váy ngắn xếp ly, dài ngang đầu gối còn đàn ông ở Myanmar thì mặc váy dài, chấm mắc cá chân. Nói là váy thì cũng chưa hẳn là đúng, mà gọi là xà rông thì đúng hơn. Nó là một miếng vải dài hình chữ nhật và được quấn tròn quanh người, với nút thắt đằng trước bụng, hoặc bên hông, chân thì đi đôi dép Lào. Dù đã xem trên truyền hình những người đàn ông mặc váy nhưng có lẽ chỉ là hình ảnh nên không có ấn tượng mấy với chúng tôi nhưng khi được nhìn tận mắt thì một cảm giác ngạc nhiên và lạ, đan xen sự thú vị.

 

Ảnh: Lê Vi Thủy
Ảnh: Lê Vi Thủy

Điều ngạc nhiên thứ ba là tục ăn trầu vẫn còn được giữa nguyên ở đây, ai ai cũng ăn trầu, miệng thì đỏ au. Từ nhỏ đến lớn, tôi tưởng chỉ có mỗi Việt Nam mình ăn trầu. Đúng là có đi mới biết được chứ ở nhà thì lại cứ tưởng. Mấy ngày đầu ở Myanmar, cứ nhìn trên lề đường thấy những vệt đỏ loang lổ, tưởng là máu nhưng sau đó thì mới biết đó là vệt đỏ của trầu. Đàn ông, đàn bà ở đây, ai cũng đeo bên mình một cái túi nhỏ để đựng trầu, có người thì đựng trầu tiêm rồi, có người thì mang theo cả hủ vôi và lá trầu nguyên, đi tới đâu quấn lá tới đó. Về cơ bản thì cách ăn trầu của người Myanmar cũng giống như người Việt Nam, cũng lá trầu, cũng vôi, cũng quả cau, nhưng khi nhai họ cho thêm một loại hương liệu giống như sợi thuốc lá, được nhập từ Ấn Độ, có mùi vị rất thơm và nó làm tăng vị cay nồng khi nhai trầu. Mặc dù tôi không ăn được trầu nhưng cũng mua cho mình một lọ hương liệu chỉ để ngửi vì nó rất thơm. Bên đường thì những hàng quán, hay những cái bốt nhỏ để bán trầu rất là nhiều, giống như những cái bốt nhỏ bán thuốc lá ở Việt Nam. Hồi mới qua nhìn miệng ai cũng đỏ, đôi lần giật mình, nhưng ở lâu thì chúng tôi cũng quen với phong tục ấy, và cũng tập tành nhai trầu, nhưng hầu như không thành công. Anh lái taxi chở chúng tôi đi một đoạn dừng lại ngay quầy mua… trầu và lên xe nhai nhóp nhép. Ở đây mọi người nghiện trầu cũng giống như nghiện thuốc lá. Cũng chính vì nhai trầu nhiều nên có rất ít người hút thuốc lá và chắc do ăn trầu nên thức ăn ở đây được nêm rất mặn.

Hiền hòa con người Myanmar

Con người của Myanmar thật sự hiền hòa, hiếu khách. Tôi khẳng định điều đó khi chúng tôi không hề biết Myanmar có luật giới nghiêm, quá 9 giờ tối thì không được ra khỏi nhà. Và tới 4 thành phố của Myanmar, chúng tôi được cảnh sát chở đi tìm nhà trọ ba lần cũng vì lý do này. Những nhân viên cảnh sát vui vẻ, nhiệt tình giúp chúng tôi tìm nhà trọ và còn chụp chung hình với chúng tôi nữa. Và chắc chắn rằng không có chuyện càu nhàu nhau vòi vĩnh gì về chuyện tiền bạc đâu nhé.

 

 

Và sự hiền hòa này còn thể hiện ngay khi cô bạn Băng Tâm đi cùng đoàn chúng tôi gặp sự cố mất passport khi vào thành phố cổ Bagan nhưng không hề hay biết. Đến lúc đưa passport cho khách sạn thì mới biết bị mất. Ngay hôm sau chúng tôi chia nhau đi tìm hết mọi nơi mình đã đi qua ở thành phố cổ Bagan, chỉ cố nắm lại một chút hy vọng mong manh và ai cũng nghĩ tới việc gọi cho Đại sứ quán khi về tới thủ đô bởi chuyện tìm thấy passport là điều không tưởng. Mọi chuyện có lẽ đã vô vọng nếu chúng tôi không liên lạc được với chú tài xế taxi và tìm thấy cái passport nằm gọn gàng trong kẽ giữa hai yên xe, với số tiền 150$ cũng còn nguyên vẹn trong đó dù đã trải qua hai ngày với bao nhiêu người ngồi trên chiếc taxi đầu tiên mà chúng tôi thuê đi vào Bagan. Cô bạn gởi lại cho chú tài xế một ít tiền và cảm ơn nhưng chú nhất quyết không lấy, năn nỉ mãi chú mới chịu lấy một số tiền nho nhỏ coi như kỷ niệm. Ôi đúng là người dân họ quá hiền lành, thế nên đi trên đường phố của Myanmar sẽ không thấy lạ khi một người đàn ông nhét một cọc tiền to đùng đằng trước bụng hoặc sau lưng, bên hông nhét thêm cái iPad (vì mặc Longyi nên họ không có túi) đi vô tư giữa chợ, nơi đông người qua lại mà không sợ bị móc túi hay cướp giật trên đường.

Và sự nhiệt tình đó rõ ràng hơn khi chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của Myatkotho Khar khi chúng tôi mắc kẹt ở biên giới Tachilek (Myanmar). Anh cũng là một tài xế. Chúng tôi gặp khi thuê xe để đi qua biên giới nhưng do luật cấm nên anh không dám chở chúng tôi đi, chỉ nhiệt tình giúp đỡ hết sức mình. Trong hai ngày, anh tự nguyện làm tài xế để chở chúng tôi đi gặp cảnh sát để nhờ ký đơn qua biên giới, tìm khách sạn cho chúng tôi và cả không ngần ngại cho chúng tôi mượn tiền để mua vé máy bay. Hầu hết những người dân chúng tôi gặp đều hiếu khách, cực kỳ thân thiện và giúp chúng tôi hiểu hơn về văn hóa của họ. Có lẽ nơi đây là đất Phật nên sự bác ái đã thấm nhuần vào trái tim của mỗi con người Myanmar.

Hơn mười ngày rong ruổi trên lãnh thổ của Myanmar, chúng tôi phần nào hiểu hơn về con người Phật giáo thanh bình, hiền hòa và cởi mở. Với những khó khăn gặp phải trên đường, nếu không có họ-những con người mến khách-thì có lẽ chúng tôi cũng khó mà về Việt Nam theo đúng lịch trình đã định.

Lê Vi Thủy

Có thể bạn quan tâm