Biển đảo Việt Nam

Năng lượng sạch trên đảo Trường Sa Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đặt chân lên đảo Trường Sa Đông, cùng với cơ sở vật chất khang trang, cảnh quan môi trường ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp thì hệ thống điện mặt trời, điện gió, lọc nước cũng để lại ấn tượng rất khó phai mờ. Đây là kết quả từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Đông nói riêng, quần đảo Trường Sa và biển đảo đất nước nói chung.

 Tua bin gió trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.S
Tua bin gió trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.S

Trường Sa Đông nằm ở phía Đông đảo Trường Sa. Làm nhiệm vụ giữa biển khơi, xa đất liền, thời tiết khắc nghiệt, tai ương bất trắc rình rập, vì vậy, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo dù được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Thời tiết Trường Sa Đông mưa nắng thất thường. Mùa này, thời tiết xấu nên xuồng ra vào đảo gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi ngủ lại một đêm trên đảo cũng vì lý do đó. Biển động, nhìn từ xa, đảo nhỏ như bị nuốt chửng bởi lớp lớp sóng dữ bủa vây trắng xóa. Nhiều hôm biển động, sóng to xô tràn, bọt nước phủ mờ làm ướt đẫm cây cối, nền nhà, lối đi, pin năng lượng mặt trời, đọng thành vũng trên mái nhà. Nhưng sự hoang dại đó của tự nhiên, năng lượng gió và bức xạ mặt trời với nền nhiệt cao là điều kiện lý tưởng để nơi đây xây dựng hệ thống năng lượng sạch quy mô, đồng bộ, khép kín hiệu quả.

Trên đảo có 10 tua bin gió hiện đại, cao hàng chục mét, cánh quạt dài đến vài mét, sơn màu trắng rất bắt mắt. Các tua bin được bố trí xây dựng xung quanh đảo đón gió nhiều hướng để biến thành điện năng phục vụ nhu cầu con người. Hệ thống điện gió và điện mặt trời được kết nối với Trạm năng lượng Trường Sa Đông. Thiết bị trạm do Công ty cổ phần đầu  tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa-TP. Hồ Chí Minh sản xuất và được đầu tư xây lắp năm 2009. Theo trung tá Nguyễn Tuấn Anh-Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông, trước đây, khi chưa có hệ thống năng lượng này, cuộc sống sinh hoạt của anh em chiến sĩ rất vất vả, vừa thiếu điện lại vừa thiếu nước. Cán bộ, chiến sĩ luôn được quán triệt sử dụng tiết kiệm. Điện thì chủ yếu sử dụng máy nổ, nhưng rất hạn chế. Khi đó, các hoạt động trên đảo bị ảnh hưởng rất lớn. Từ khi chủ động được nguồn điện, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được cải thiện rất nhiều.

Đảm nhận nhiệm vụ điều hành trạm năng lượng sạch này là Thượng úy Nguyễn Ngọc Khảm thuộc Trung đội kỹ thuật đảo Trường Sa Đông. Giới thiệu về nguồn năng lượng quan trọng, Khảm cho biết, nguồn điện sinh ra từ năng lượng mặt trời và sức gió được sử dụng trực tiếp cho toàn bộ hoạt động trên đảo, từ chỉ huy đến chiến sĩ. Lượng điện dư thừa thì nạp vào bình ắc quy dự trữ, phòng khi năng lượng gió và ánh sáng mặt trời suy yếu, đặc biệt là vào những ngày mưa. Cũng theo Khảm, mùa này nhiều gió và gió lớn nên điện dùng khá thoải mái, chỉ khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm mới phải điều tiết cho hợp lý hơn.

Sau điện, vấn đề thiết yếu là nước cũng được giải quyết khá tốt. Trước đây, khi chưa có hệ thống này, lượng nước ngọt trên đảo rất hiếm, được cung cấp từ đất liền và từ nước mưa. Đảo dùng tất cả mọi cách để thu nhận và dự trữ nước mưa. Mùa nắng gắt, bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ được sử dụng khoảng 15 lít/ngày. Nhờ sự quan tâm của trên, từ năm 2014,  đảo được trang bị hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt đơn giản và tiện lợi. Thiết bị này được đầu tư lắp đặt và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả khá tốt. Nguồn nước đầu vào (nước biển) và đầu ra (nước ngọt) đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hiện nay, mỗi giờ thiết bị có thể lọc được 50 lít nước ngọt, hỗ trợ rất tốt nguồn nước sinh hoạt trên đảo, giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, chủ động hoàn thành nhiệm vụ của bản thân và của đảo.

Khó có thể nói hết ý nghĩa của các công trình năng lượng sạch trên đảo Trường Sa Đông nói riêng, các đảo trên quần đảo Trường Sa và cả nước nói chung. Không thể có một hình ảnh Trường Sa Đông lung linh huyền ảo lúc màn đêm buông xuống nếu không có ánh sáng dòng điện diệu kỳ. Có điện, có nước, hoạt động phối hợp của các lực lượng trên các đảo diễn ra chặt chẽ và hiệu quả hơn, từ công tác tuyên truyền, dân vận, hậu cần, văn hóa văn nghệ đến hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển… đều thuận lợi. Có điện, có trạm thu phát sóng truyền hình, các đảo có điều kiện cập nhật tin tức, tình hình đất nước, đất liền và thế giới thông qua các loại hình báo chí. Có điện và mạng Viettel, đảo tuy xa đấy mà lại rất gần với đất liền, người thân, gia đình do kết nối dễ dàng với nhau.

Và trên hết, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà nước dành cho biển đảo, trong đó có hệ thống năng lượng sạch đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất của đảo, giúp cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, biến đảo xa thành điểm tựa vững chắc, giúp người lính thêm yên tâm làm nhiệm vụ vẻ vang: bảo vệ chủ quyền đất nước.

 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm