Nao nức chờ mùa hoa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không khí mùa hoa Tết đã “gõ cửa” những nhà vườn trồng hoa cả mấy tháng nay. Năm nay, thời tiết ủng hộ người trồng hoa, ban cho mưa thuận, gió hòa, lại cũng có những tín hiệu vui về được giá. Cũng bởi thế, mà các nhà vườn trồng hoa Tết ở Gia Lai đã có thể cho mình cái quyền được vui về mùa hoa Tết- mùa làm ăn chính trong năm của những người làm nghề trồng hoa.

Nhờ trời mưa gió phải thì…

Nhìn ngắm những cánh đồng, mảnh vườn trồng hoa Tết của người dân An Phú- một trong những vùng được coi là có “truyền thống” về trồng hoa Tết của tỉnh Gia Lai- vào thời điểm này, ai cũng đều có chung một cảm nhận về hơi thở của ngày Tết đang kéo về. Những ruộng lay ơn xanh mượt mà trong gió, những luống hoa ly, cúc chúm chím nụ… Tất cả đều căng tròn nhựa sống, báo hiệu cho một mùa bội thu.

Hoa đồng tiền trồng trong nhà lồng của gia đình anh Sang. Ảnh: Lê Hòa
Hoa đồng tiền trồng trong nhà lồng của gia đình anh Sang. Ảnh: Lê Hòa

Lau vội giọt mồ hôi ướt đẫm vầng trán, dưới chân vẫn là đôi ủng cao su lấm lem bùn đất, anh Lê Văn Sang (thôn 9-xã An Phú-TP. Pleiku) cười tươi rói: “Nếu trời thương tình cho thời tiết thuận lợi như từ đầu vụ đến giờ, vụ hoa Tết năm nay chắc chắn đẹp khỏi bàn!”.

Anh Sang là một trong những hộ có nghề trồng hoa Tết “có tiếng” ở khu vực An Phú. Cách đây vừa tròn 12 năm, gia đình anh đã bắt đầu đầu tư xây dựng hệ thống nhà lồng trồng hoa, rau. Trồng hoa trong nhà lồng, tuy chi phí ban đầu không nhỏ nhưng lãi thu về cũng không bèo. “Nếu xây dựng nhà lồng tại thời điểm này mất khoảng 150 triệu/1.000 m2, nhưng bù lại, năng suất có thể tăng lên gấp 3, thậm chí gấp 4-5 lần so với trồng ở ruộng thông thường. Đối với các loại hoa đỏng đảnh như ly, đồng tiền… nếu trồng thủ công ngoài ruộng theo cách làm truyền thống thì gần như không thể. Trồng hoa trong nhà lồng chính là lựa chọn tối ưu nhất của người trồng hoa Tết, nhất là các loại hoa công nghệ cao, nếu không, khó thoát cảnh méo mặt vì lỗ”- Anh Sang chia sẻ kinh nghiệm.

Chăm sóc hoa cúc. Ảnh: Lê Hòa
Chăm sóc hoa cúc. Ảnh: Lê Hòa

Vụ hoa Tết năm nay, gia đình anh trồng gần 3 sào hoa, chủ yếu là hoa đồng tiền, ly, cúc vạn thọ, lay ơn… Lay ơn được coi là loài hoa truyền thống của các vườn hoa Tết, bởi Tết đến, nhà nào cũng trưng lay ơn. Riêng nhà anh, vụ Tết năm nay trồng đến 150 kg củ (khoảng 30.000 gốc) lay ơn. Nếu thời tiết thuận lợi, được giá, số lay ơn này có thể lãi vài chục triệu đồng.

Hoa ly vốn có tiếng là đỏng đảnh, khó chiều. Loài hoa tưởng chừng chỉ là “đặc sản” của xứ lạnh Đà Lạt ấy nay cũng ngày càng bị nhà nông phố Núi thu phục. “Năm nay tui đánh bạo trồng 2.500 gốc ly. Tính sơ sơ tiền đầu tư từ đầu vụ tới giờ cũng ngốn gần 40 triệu, chưa kể tiền công. Nói chung hoa phát triển rất tốt, mỗi cây nở được 5-6 bông là bình thường”- Anh Sang cho biết.

Cũng theo anh Sang, lượng mưa đều đặn và kéo dài, nhiệt độ vừa phải lại ổn định nên người trồng hoa năm nay bớt vất vả. Bây giờ, lay ơn đã lên được 6-7 lá, chuẩn bị ra bông. Cúc, ly… tất cả đều rất đẹp. “Trồng hoa bây giờ gần như nắm trong tay “quyền” điều chỉnh để hoa nở đúng dịp, tất nhiên là chỉ trong một giới hạn nào đó”- Anh Sang vui vẻ thổ lộ.

Giá sẽ cao?

Theo kinh nghiệm nhà vườn hơn 10 năm trồng hoa, anh Sang cho biết, giá hoa năm nay chắc chắn sẽ cao, bởi thời tiết các vùng khác không mấy thuận lợi, lượng hoa Tết nhập về Gia Lai vì thế sẽ giảm, song song với đó, các vùng này còn phải quay sang nhập hoa từ vùng khác- trong đó có Gia Lai về, nên khả năng được giá hoa Tết đang nằm trong tầm tay. “Nếu được mùa, được giá thì vui còn gì bằng. Nói chung người trồng hoa có thắng hay không phần lớn đều phụ thuộc vào giá. Giá cao thì lời nhiều, giá thấp thì lời ít”.

Anh Sang bên vườn hoa ly đang chờ Tết. Ảnh: Lê Hòa
Anh Sang bên vườn hoa ly đang chờ Tết. Ảnh: Lê Hòa

Vụ hoa Tết năm 2011, gia đình anh cũng thu được một món kha khá nhờ trồng hoa Tết. Với mức giá 50-60 ngàn đồng/chục hoa lay ơn, 40-50 ngàn đồng/cành hoa ly cộng với tiền thu từ bán hoa cúc, đồng tiền… sơ sơ cũng được ngót ngét trăm triệu trong mùa hoa Tết trước. “Vụ hoa Tết được coi là vụ chính của nhà vườn trồng hoa. Tết có rôm rả hay không đều phụ thuộc rất nhiều vào mấy ngày Tết này”- Anh Sang bộc bạch.

Người trồng hoa Gia Lai cũng không ít lần phải “khóc dở, mếu dở” vì hoa Tết. Chỉ cần giá cả thấp lại một chút, người trồng hoa lại dồn dập thúc hoa bung đúng vào dịp Tết là coi như hỏng. Hoa thừa bán không hết sẽ đẩy đến giá bán thấp, lời lãi ít đi là chuyện đương nhiên.

Hoa vùng An Phú ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh còn vươn ra các tỉnh bạn như: Kon Tum, Bình Định, Phú Yên và đặc biệt là Thừa Thiên-Huế và TP. Đà Nẵng. Chính bởi vậy, giá cả hoa Tết ở Gia Lai phần lớn cũng bị phụ thuộc vào thị trường khu vực này. Nếu các tỉnh trên nông dân kém mùa hoa Tết sẽ đồng nghĩa với việc giá hoa Tết tại Gia Lai được đẩy lên, và ngược lại. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần. Phần còn lại phụ thuộc vào mặt bằng giá cả chung, trong đó, thị trường hoa Đà Lạt- “thủ phủ” hoa của khu vực và cả nước mới chính là yếu tố quyết định căn giá lớn nhất.

Theo thống kê của UBND xã An Phú, mùa hoa Tết năm nay, toàn xã trồng khoảng trên 47 ha hoa thương phẩm. Ngoài rau, lúa, hoa là loại cây trồng chiếm diện tích lớn thứ 3 trong cơ cấu diện tích các loại cây trồng trên địa bàn. “Do được thu đúng vào thời điểm Tết nên tuy chưa nhiều, nhưng hoa có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân địa phương. Năm nay rau được giá nên diện tích hoa cũng có phần chững lại, nhiều người bỏ trồng hoa sang trồng rau cho… ăn chắc nên bởi thế mà diện tích hoa thu hẹp bớt đi, giá có thể cũng sẽ tăng cao hơn”- Ông Hồ Văn Khương- Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, chia sẻ.

Hoa Tết được mùa, nếu đúng như dự đoán của người dân là giá hoa cao, chắc chắn, Tết của bà con vùng hoa An Phú sẽ thêm phần đầy đủ, rộn rã hơn.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm