Biển đảo Việt Nam

Nên thơ và đẹp giàu: Hải Tặc-Hòn Tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã đảo Tiên Hải nằm ở Hòn Tre (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) là tên đặt sau này, chỉ đảo lớn nhất trong 16 đảo lớn nhỏ của một quần đảo. Còn tên thật của nó trước đây là đảo Hải Tặc. Chỉ nghe cái tên đã thấy tâm trạng xen lẫn háo hức, tò mò và lo sợ, nghi ngại. Vì vậy một lần đến với Hòn Tre nghĩ cũng đáng giá. Và chúng tôi sẽ chẳng dễ dàng thực hiện chuyến đi thú vị riêng đến với Hòn Tre-Hải Tặc mà còn với cả một loạt đảo trong vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

t
Ảnh: T.S

Sau khi đi một vòng từ Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, chúng tôi đến đảo Hòn Tre. Người nói đảo có hình thù này nọ nhưng là người đến từ miền núi nên chúng tôi thấy Hòn Tre cũng chẳng khác gì mấy đảo đã tới, cũng bao bọc mênh mông sóng nước, núi đá lô nhô, cửa nhà san sát cái dầm chân dưới nước, cái trên bờ. Nhưng có vẻ Hòn Tre trù phú hơn nhiều. Quang cảnh đông đúc, nhộn nhịp nói lên điều này. Con đường vòng quanh đảo đang lúc đổ bê tông, xe máy đào xúc gầm vang và bụi mù. Trụ sở UBND xã Tiên Hải đóng gần đó. Có vẻ hiện thực này chẳng giúp gì cho chúng tôi tìm về quá khứ. Chắp nối có thể hiểu Hòn Tre gắn liền truyền thuyết về Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và cướp biển, những kho vàng đang còn cất giấu bí mật đâu đó. Mạc Thiên Tích là danh thần của chúa Nguyễn. Khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định và truy kích tàn quân chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tích phải chạy trốn khắp nơi. Lúc này, cả một vùng Hà Tiên vắng chủ cho nên hải tặc lộng hành suốt một thời gian dài.

Cũng bởi quần đảo Hải Tặc nằm trên đường thông thương quan trọng, nối từ vịnh Hà Tiên ra vịnh Thái Lan rộng lớn nên cướp biển đã chọn đây làm nơi phục kích, đánh cướp tàu thuyền qua lại. Tất nhiên lúc này Hà Tiên đã là một thương cảng sầm uất có nhiều tàu bè đến mua bán làm ăn. Cái tên quần đảo Hải Tặc có lẽ đã ra đời vào thời kỳ này. Thời điểm hải tặc lộng hành nhất là khi chính quyền Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm (Thái Lan) đánh bại. Cướp biển vẫn còn lộng hành cho đến thời Pháp thuộc và mãi đến sau này khi đã có bàn chân con người đến khai phá. Tài liệu cho thấy đến những năm 2000-2004, vẫn còn hàng trăm vụ cướp tàu thuyền trên vùng biển Tây.

 

Đền thờ ông Bổn-Hòn Tre. Ảnh: T.S
Đền thờ ông Bổn-Hòn Tre. Ảnh: T.S

Vòng qua phía sau, chúng tôi ngang qua cầu tàu xây dựng từ trước 1975, ghé thăm nhà một số nhà dân, đền thờ ông Bổn, bồi hồi bên cột mốc mang tên đảo Hải Tặc. Bên cầu tàu hãy còn kiên cố, sóng biển nhấp nhô, hãy còn mấy tán dừa xoãi tóc dầu dãi tháng năm. Trong khi đồng nghiệp mê say sưu tầm bài ca dao “tục mà thanh”nói về địa lý của đảo, tôi hỏi má Hai (đã trên 80 tuổi) những chuyện liên quan đến hai từ “Hải Tặc”. Tuy nhiên, trước sau bà chỉ xác nhận con người đến khai khẩn, sinh sống ở đất này chủ yếu là vào những năm 50 của thế kỷ trước. Trong đó phần nhiều là giang hồ, tứ cố vô thân, bất mãn, thất bại, trốn lính và cả những người trốn chạy pháp luật. Nói về chuyện có cướp biển ở đây không, bà Hai cho biết trước đây thì có nhưng từ sau 1975 thì tình hình đã khác.Thông tin này chẳng thể giúp tôi kết nối với những gì mình lục lọi tìm kiếm về Hòn Tre nói riêng và quần đảo Hải Tặc trước đây nói chung, càng không thể liên hệ với thực tại bây giờ. Lúc trao đổi với lãnh đạo xã Tiên Hải, quần đảo này đã có hơn 400 hộ, trên 1.800 nhân khẩu sinh sống tại 6 đảo: Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Đồi Mồi, Hòn Ụ, Hòn Đốc; trong đó, Hòn Tre là trung tâm xã đảo với trên 250 hộ dân.

Trước Đồn Biên phòng đảo Hòn Tre, mấy gốc lão mai già khụ, dáng tự nhiên rất đẹp. Chiến sĩ Huỳnh Quoanh Na (dân tộc Khmer) và mấy người nữa tỉ mẩn vun xới gốc cây và tưới nước. Họ rất vui khi có đoàn đến thăm. Trông vẻ mặt người nào cũng phấn chấn, dù mới ra làm nhiệm vụ tại đảo chưa lâu. “Xa đất liền, xa gia đình nhưng chúng cháu không buồn lắm đâu, chú à. Tất nhiên đảo xa sao bằng đất liền. Nhưng chúng cháu rất yên tâm xác định mình đang làm nhiệm vụ vẻ vang bảo vệ biển đảo. Vì nơi đây đảo là  nhà, cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, chia sẻ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Trên đảo có nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ với bà con, viết thư thăm hỏi, chúc mừng đơn vị kết nghĩa. Không thiếu việc để làm, và nhiều trò chơi thú vị, bổ ích”-Na vui vẻ cho biết.

 

t
Cầu tàu đảo Hòn Tre. Ảnh: T.S

Rõ ràng hiện thực đã làm lu mờ dần những gì thuộc về truyền thuyết và những lời đồn đoán về một quần đảo trù phú, xinh đẹp. Tuy nhiên vì ở xa đất liền, giữa mênh mông sóng nước, trong tình hình tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn cả từ thiên nhiên và cả do con người gây ra, nên chủ động cảnh giác là nhiệm vụ thường xuyên và rất cần thiết. Chuẩn đô đốc Hải quân Vùng 5 khi đó là Ngô Văn Phát cho rằng: Cướp biển không còn nhưng tai ương, bất trắc dành cho ngư dân bám biển, thiên tai giông gió, vi phạm lãnh hải, tai nạn tàu thuyền… vẫn xảy ra. Vì vậy phải tăng cường bảo vệ, phòng ngừa, hỗ trợ cứu hộ cứu hạn. Tất cả đều cần đến sự phối hợp giải quyết kịp thời của Hải quân, Bộ đội Biên phòng, chính quyền sở tại cũng như các nước trong vùng.

 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm