Thời sự - Bình luận

Ngày hội gắn kết cộng đồng dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày tháng 11 này, cùng với cả nước, khắp các thôn, làng, tổ dân phố ở Gia Lai ngập tràn không khí rộn ràng của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi thôn, làng, tổ dân phố chọn một cách thức tổ chức khác nhau, nhưng tựu trung đều vui tươi, phấn khởi, ấm tình làng nghĩa xóm và đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày hội đại đoàn kết thường diễn ra với phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, bà con cùng nhau ôn lại ý nghĩa, truyền thống của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam; điểm lại những kết quả sau 1 năm đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các cuộc vận động trong khu dân cư cũng như tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới để phấn đấu xây dựng quê hương. Trong đó, những con số ấn tượng nhất về diện tích gieo trồng, số lượng gia súc, gia cầm, mức thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ giảm nghèo; phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng cũng như tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, tình hình trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng-an ninh… được Ban Công tác Mặt trận và Ban Nhân dân thôn tổng kết, thông báo đến toàn thể người dân. Dịp này, những cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, có nhiều đóng góp cho cộng đồng được tôn vinh, chia sẻ kinh nghiệm để cùng học tập, nêu gương.

Lãnh đạo tỉnh, huyện Chư Prông và xã Ia Lâu chứng kiến ký kết giao ước thi đua của thôn Hòa Bình tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Quang Tấn



Ngoài ký kết giao ước thi đua trong thời gian tới, biểu dương, khen thưởng những gia đình văn hóa, lãnh đạo các cấp tặng quà chúc mừng… nhiều cộng đồng dân cư còn triển khai một số hoạt động hết sức ý nghĩa. Có thể kể đến như buôn Biah B (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) đã vận động ủng hộ cho gia đình bà Hieo HPum-hộ nghèo đặc biệt khó khăn với số tiền hơn 14 triệu đồng. Việc làm này càng khiến cho ngày hội thêm phần ý nghĩa, thể hiện đậm nét tinh thần “tương thân tương ái”, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra rộn ràng, nhộn nhịp, đậm nét văn hóa truyền thống. Ở những buôn làng dân tộc thiểu số, phần hội lại càng đặc sắc. Tham gia ngày hội chung, đồng bào các dân tộc đều khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, mang đến những màn biểu diễn cồng chiêng, hòa tấu các loại nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, sự hiện diện của đồng bào các dân tộc phía Bắc cũng góp thêm những sắc màu văn hóa cho ngày hội với điệu múa xòe, múa khèn, nhảy sạp, biểu diễn đàn tính... Các món ăn đặc trưng của từng dân tộc được chuẩn bị chu đáo để các đại biểu, bà con cùng thưởng thức từ gà nướng, cơm lam, lá mì đến ốc suối, đọt mây... Cộng đồng người Tày, Thái, Nùng… hòa cùng với Kinh, Bahnar, Jrai tạo nên sự đan xen, giao thoa văn hóa vùng miền đặc sắc để từ đó, mỗi dân tộc được học hỏi trong sinh hoạt, cách thức làm ăn, cùng nhau phát triển. Ngoài ra, ở một số cộng đồng dân cư, bà con còn tổ chức giao lưu, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian đem lại không khí sôi nổi, đầy hứng khởi cho ngày hội. Dù vậy, tại một số địa phương, công tác tổ chức ngày hội vẫn không tránh khỏi sự lúng túng, mang tính hình thức, chưa đánh giá đúng, đủ những kết quả đã đạt được, chưa thực sự sáng tạo để người dân hào hứng tham gia.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mục đích của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là nhằm xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới. Kết quả của ngày hội sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội từ mỗi thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước.

Thiết nghĩ, mỗi người dân cần có ý thức đóng góp ý kiến để cùng nhau tổ chức ngày hội thực sự vui tươi, ý nghĩa, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

 

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm