(GLO)- Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum có nhiệm vụ sưu tầm, lưu trữ, bảo quản, nghiên cứu, tổ chức trưng bày, giới thiệu các sưu tập vật mẫu và tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nội dung, danh mục tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày tại đây được thực hiện khá hoàn chỉnh từ dự án nâng cấp chỉnh lý trưng bày tại Bảo tàng từ năm 1995 và qua chỉnh lý, bổ sung hàng năm. Do tình hình thực tế, danh mục tài liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày tương tự theo hệ thống chủ đề chính ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), trên cơ sở lựa chọn tài liệu, hiện vật tiêu biểu, có chú ý ưu tiên những tài liệu, hiện vật gắn với Gia Lai và Kon Tum, lựa chọn ý đồ, giải pháp trưng bày trực quan, dễ hiểu. Trong điều kiện Bác Hồ chưa một lần đến thăm Gia Lai và Tây Nguyên, cho nên hệ thống tài liệu, hiện vật, hình ảnh gốc về Bác với đồng bào là khá ít.
Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), số lượng hiện có 33 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gốc ở Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, khá thấp so với nhiều bảo tàng chi nhánh trong hệ thống. Song vấn đề trăn trở nhiều nhất với những người làm công tác chuyên môn ở chỗ làm thế nào để tiếp tục phát hiện, bổ sung trưng bày, giới thiệu đến công chúng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá đang lưu giữ trong đồng bào, làm phong phú, rõ nét hơn, đặc sắc hơn về tình cảm của Bác với đồng bào Tây Nguyên.
Từ những trăn trở nói trên, trong vài tháng qua, đội ngũ làm công tác nghiệp vụ, tuyên truyền ở Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã tiếp xúc, gặp gỡ hàng chục lượt cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại Gia Lai có vinh dự từng được gặp Bác Hồ. Số đông là cán bộ, học sinh người dân tộc thiểu số từng công tác, học tập ở hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó có nhiều người đã vinh dự được gặp Bác.
Điều đáng phấn khởi nhất là đợt sưu tầm tư liệu, hiện vật lần này đã giúp phát hiện nhiều tài liệu, kỷ vật, hình ảnh quý giá về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang được nâng niu giữ gìn trong nhân dân.
Kỷ vật thiêng liêng là phần thưởng Bác tặng cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc tiêu biểu tại Trường Học sinh Dân tộc miền Nam; hình ảnh thân thương, đùm bọc, chở che của Bác Hồ vĩ đại khi người chụp ảnh với con cháu rất mực yêu thương của Người là cán bộ, học sinh, văn công… chiếc băng tang (đề lúc 9 giờ 47 phút, ngày 3-9-1969) đang được lưu giữ hết sức cẩn thận sau khi được vào viếng Bác trong lễ tang thấm đẫm nước mắt tiễn biệt Người.
Vượt lên tất cả là những câu chuyện chân thực, sống động do chính những người con Gia Lai kể về những lần may mắn được gặp Bác Hồ đã tô thắm thêm tình cảm rất đỗi thân thương, sâu nặng của Người đối với đồng bào Tây Nguyên. Đây chính là kho tư liệu sống góp phần giúp tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, nhân cách văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Mỗi phong thái, lời nói, sự khuyên nhủ, lời động viên, dạy dỗ của Người với tư cách “là cha, là bác, là anh…” đã trở thành niềm tin, sức mạnh giúp mỗi người nỗ lực hết mình trong học tập, công tác, xây dựng tình đoàn kết, góp phần vào công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp hôm nay.
Văn Nam