“Nhớ cái Tết quê hương…”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Học tập nhiều năm ở nước ngoài nhưng những học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Gia Lai vẫn luôn nhớ về vùng đất Tây Nguyên thân thương, nhất là khi Tết đang đến rất gần với biết bao nôn nao, chờ đón.

Nguyễn Kim Tiến- học sinh Trường Phổ thông Saint Joseph’s Institution-Singapore:

Nguyễn Kim Tiến tại công viên các loài chim.
Nguyễn Kim Tiến tại công viên các loài chim.

Tết Nhâm Thìn-2012 này đã là năm thứ hai cô học sinh Nguyễn Kim Tiến không được đón Tết cùng gia đình. “Chưa bao giờ ăn Tết xa nhà nên cũng buồn lắm. Một số anh chị học cùng trường có điều kiện thì về nhà ăn Tết cùng gia đình, cả trường chỉ còn lại 5-6 người Việt ở lại thôi”-Tiến ngùi ngùi chia sẻ. Đêm Giao thừa, cả nhóm mua sắm đồ đạc cho có không khí Tết, rồi nấu những món ăn Việt Nam và cùng tụm lại xem ti vi trực tuyến chương trình Táo quân Việt Nam, sau đó về phòng chat với bố mẹ qua internet. Từng không ít lần rơi nước mắt vì nhớ nhà, Tiến kể: “Những năm trước, em thấy Tết rất… chán, quanh đi quẩn lại vẫn vậy, nhưng giờ mới nhận ra giá trị của Tết ở quê hương mình”.

Tuy vậy, đây cũng là khoản thời gian quý báu giúp Tiến trưởng thành hơn và mở mang kiến thức rất nhiều. “Người dân ở Quốc đảo Sư tử đón mừng cả Tết Dương lịch và Âm lịch, nhưng vì đất nước này có đến 75% dân số là người Hoa nên ăn Tết Âm lịch lớn hơn. Họ cũng có tập tục như mình, trang trí nhà cửa, đường phố, thăm hỏi nhau ngày Tết và lì xì cho trẻ con”-Tiến cho biết. Xa nhà nhưng cô học trò người Việt vẫn “ăn” đủ 3 ngày Tết: Ngày mùng Một, Tiến được cô giáo đỡ đầu là người bản địa đưa về nhà ăn Tết cùng; ngày mùng Hai được một gia đình Singapore đưa đi chơi ở Sentosa (trung tâm Singapore), ngày mùng Ba thì Tiến đi chùa để cầu sức khỏe cho gia đình. “Một điều nữa khiến em cũng rất vui là họ rất tôn trọng văn hóa của mình.

Trường Saint Joseph’s Institution là trường quốc tế nên chỉ có 50% là học sinh bản địa, 50% còn lại là học sinh đến từ các nước khác. Cận Tết, nhà trường tổ chức giới thiệu về Tết truyền thống của đất nước Singapore, kế đó còn dành thời gian để nhóm học sinh Việt Nam lên thuyết trình và chiếu video clip nói về Tết của Việt Nam”-Tiến tự hào kể.

Hồ Tống Minh Định-nghiên cứu sinh tại Đại học Bách khoa Milan-Italia:

Hồ Tống Minh Định trước nhà thờ Duomo (TP. Milan, Italia).
Hồ Tống Minh Định trước nhà thờ Duomo (TP. Milan, Italia).

“Trừ mấy năm du học, từ nhỏ đến giờ tôi chỉ đón Tết ở Gia Lai. Về đến Gia Lai được gần gia đình ba má là niềm vui hạnh phúc lớn nhất trong năm. Gia đình tôi vẫn đón Tết theo cách từ thuở nhỏ tôi được biết: Những bánh in, bánh thuẫn, mứt gừng, mứt dừa, rượu nếp… do má làm vẫn nằm trong thực đơn ngày Tết. Càng nhớ hơn những giây phút nghe má kể chuyện tuổi thơ bên cạnh bếp lửa hồng của nồi bánh tét đang sôi sùng sục như xua tan đi không khí se lạnh những ngày cuối năm, những lời chúc phúc đến ba má và anh em sáng mùng Một trong không khí rộn ràng với những bộ cánh đẹp nhất trong năm.      

Thú thật là tôi vẫn chưa có lần nào ăn Tết cùng một gia đình người Việt ở Ý, cụ thể là ở Milan. Cộng đồng người Việt ở đây rất ít và chủ yếu định cư rải rác ở các thành phố nhỏ lân cận. Sinh viên du học ở đây cũng tương tự, trên dưới 20 người. Tuy số lượng ít nhưng bù lại rất vui. Vào dịp Tết năm rồi, mọi người sum họp bên nhà tôi nấu ăn và có gói bánh chưng. Những khuôn bánh vuông vắn chỉn chu khiến lòng tôi như được sống trong không khí ngày Tết quê nhà. Thích nhất có lẽ là tiếng pháo chuột nổ tí tách bên ngọn nến lung linh giữa những tiếng reo hò đón Tết của mọi người trong khí trời giá rét của Milan khi đó.

Mong ước điều gì trong năm mới? Tôi chỉ ước ba má và người thân trong gia đình luôn khỏe mạnh và hạnh phúc! Năm mới đến cũng sẽ là một năm vô cùng quan trọng của tôi vì là năm cuối nên các công trình khoa học- những đứa con tinh thần của mình sẽ được công bố”.

Nguyễn Văn Đức Long-du học sinh tại Trường Yeungnam-Hàn Quốc:

Nguyễn Văn Đức Long và vợ trong một lần đón Tết tại Hàn Quốc.
Nguyễn Văn Đức Long và vợ trong một lần đón Tết tại Hàn Quốc.

“Gần 5 năm học thạc sĩ và tiến sĩ bên xứ Hàn, tôi và vợ đã 3 lần phải đón Tết xa quê. Mặc dù Hàn Quốc cũng đón Tết Nguyên đán giống như ở Việt Nam và một số nước châu Á khác nhưng không khí đón Tết ở đây rất đơn giản. Đây là dịp để về thăm ông bà và gia đình, và sau đó là nghỉ ngơi chứ không rộn ràng và nhộn nhịp như ở Việt Nam. Hòa chung không khí đón Tết của cả dân tộc, chúng tôi chuẩn bị cành đào cành mai giả, cùng nhau gói bánh chưng bánh tét và nấu các món ăn truyền thống, mọi người cùng sắp lễ cúng, đón Giao thừa và chúc nhau những điều tốt lành cho một năm mới sắp đến. Sau đó, cùng quây quần trò chuyện, và đợi đến lúc Giao thừa ở Việt Nam để gọi điện về chúc mừng gia đình và bạn bè.

Tuy nhiên năm nay, vì lý do vô cùng đặc biệt là gia đình nhỏ của tôi chuẩn bị đón một thành viên mới ra đời nên chúng tôi sẽ đón Xuân ở Pleiku. Sau Tết, tôi sẽ quay lại Hàn Quốc để bảo vệ luận văn tốt nghiệp và sẽ làm giáo sư (Visiting Professor) tại Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Yeungnam cũng như chuẩn bị đón vợ và con trở lại Hàn Quốc để hoàn thành chương trình tiến sĩ”.

Phương Duyên (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm