Biển đảo Việt Nam

Những "anh nuôi" trên tàu Trường Sa 571

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói đến Trường Sa, nhiều người nghĩ ngay đến những người lính đang ngày đêm cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với tôi, ngoài những con người sáng ngời “chất thép” ấy, còn có những cán bộ, chiến sĩ lặng thầm phục vụ, lặng thầm cống hiến, đó là những chàng lính trẻ phục vụ trên các chuyến hải trình ra Trường Sa.

Ảnh: D.D
Ảnh: D.D

Trong chuyến hải trình đưa 249 đại biểu từ đất liền ra thăm huyện đảo Trường Sa vào tháng 5-2015, Tổ Phục vụ-hậu cần tàu Trường Sa 571 có 18 cán bộ, chiến sĩ. Nhiệm vụ của các anh nói nôm na là phục vụ tất tần tật nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của chừng ấy đại biểu trên tàu.

Về chuyện ăn uống, để phục vụ chừng ấy người với định suất mỗi ngày 4 bữa, mỗi bữa tối thiểu phải có 4 món ăn, hàng ngày các anh phải bắt đầu làm việc từ 3 giờ sáng và kết thúc công việc khi mọi người đã yên giấc. Không dừng lại ở đó, do diện tích phòng ăn của tàu có hạn nên cán bộ chiến sĩ phải mang thức ăn đến tận phòng ở cho đại biểu. Ngoại trừ một giấc ngủ đêm ngắn ngủi, các anh dành phần thời gian còn lại cho công việc.

Mặc dù phải gồng một khối lượng công việc nặng nề như vậy nhưng trên khuôn mặt tất thảy các anh đều thường trực một nụ cười ấm áp, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ khi đại biểu cần. “Hầu hết đại biểu lần đầu tiên ra với Trường Sa, chưa quen điều kiện trên tàu nên tụi em xác định quan điểm là phục vụ hết mình”-Thượng úy Nguyễn Văn Hoạch chia sẻ. Với Hoạch, chuyến đi lần này vào mùa sóng yên biển lặng nên hầu hết đại biểu đều đảm bảo sức khỏe tốt. Theo đó, công tác phục vụ cũng đỡ vất vả hơn. “Vào mùa mưa bão, việc phục vụ trên tàu gian nan gấp bội. Tụi em trần lưng chống chọi với sóng biển để có được bữa cơm phục vụ đại biểu. Tuy nhiên nhìn ai cũng lờ đờ say sóng, chẳng thiết đến ăn uống, anh em phục vụ ái ngại vô cùng. Những lúc ấy, tụi em phải kiêm luôn vai trò tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho đại biểu”-Thượng úy Hoạch bày tỏ.

 

 Công việc thường ngày của Tổ Phục vụ-hậu cần tàu Trường Sa 571.    Ảnh: D.D
Công việc thường ngày của Tổ Phục vụ-hậu cần tàu Trường Sa 571. Ảnh: D.D

Ngoài Thượng úy Nguyễn Văn Hoạch, trong hơn 10 ngày có mặt trên tàu Trường Sa 571, tôi có dịp tiếp xúc với hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong Tổ Phục vụ-hậu cần. Dù xuất thân từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng tất thảy đều sạm đen vì nắng gió biển khơi, dẻo dai vì đặc thù công việc, lạc quan yêu đời và hết mình vì nhiệm vụ. Tranh thủ một tí thời gian rảnh rỗi lúc neo tàu, Thiếu úy Tùng tìm đến thú vui câu cá. Câu cá không phải để dành cho mình mà chủ yếu để bổ sung vào thực đơn cho đại biểu. Cùng với nhiều đại biểu khác, trong những ngày sống ở đây, tôi đã từng được thưởng thức những tô cháo cá thơm phức do Tùng và đồng đội câu được.

Có thể nói, được đặt chân đến huyện đảo Trường Sa là niềm hạnh phúc vô bờ bến của mỗi người. Ở đó, chúng ta có một phần máu thịt của non sông gấm vóc, có những chiến sĩ kiên cường trước giông gió biển khơi... Và sẽ là rất thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến những người lính ngày đêm âm thầm phục vụ trên những chuyến tàu rẽ sóng ra khơi. Như nhận xét của phóng viên Đoàn Ngọc Bình (Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai): “Mặc dù phải cáng đáng một khối lượng rất nặng nhọc nhưng anh em đã làm rất tốt. Hơn thế, họ đã để lại trong tôi ấn tượng khó phai mờ về hình ảnh người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam kiên cường, dũng cảm, tận tụy và hết lòng vì mọi người”.

Giờ đây, dù đã chia tay con tàu Trường Sa 571 một tháng có dư, nhưng trong tôi vẫn còn vọng lại lời mời vô cùng thân mật của một sĩ quan trên tàu: “Đã đến giờ ăn cơm, mời thủ trưởng đoàn và các đại biểu về phòng để được phục vụ cơm. Chúc thủ trưởng và các đại biểu ngon miệng!”.

Duy Danh

Có thể bạn quan tâm