Sáng 1-10, tại Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”.
Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức. Bên cạnh đó, Hội thảo có sự hiện diện của GS,TS. Vương Đình Huệ-Trưởng ban Kinh tế Trung ương; TS. Trần Du Lịch-Đại biểu Quốc hội, Trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng; PGS,TS. Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Ths. Lê Thanh Liêm-Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thanh Phong-Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển Giao thông-Vận tải (Bộ Giao thông-Vận tải); PGS,TS. Vũ Thanh Ca-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo; GS,TSKH. Nguyễn Quang Thái-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội KHKT Việt Nam; TS. Nguyễn Quang-Giám đốc chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) tại Việt Nam;…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội thảo. |
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Lý Sơn gắn liền với biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam gắn liền với Lý Sơn. Do đó, đầu tư và phát triển đảo Lý Sơn là yêu cầu cấp thiết, hết sức quan trọng hiện nay và lâu dài”.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận về xác định vai trò, vị thế của Lý Sơn trong quá trình phát triển; ưu tiên phát triển về nông nghiệp-ngư nghiệp; cơ chế chính sách đặc thù; hoàn chỉnh quy hoạch; giải pháp khơi dậy nguồn lực; giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; biến đổi khí hậu, môi trường và nguồn nước sạch.
Đề dẫn Hội thảo, TS. Trần Văn Minh-Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi báo cáo: “Lý Sơn nằm án ngữ trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam, là con đường ra biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua Cửa khẩu Dung Quất, là cửa ngõ ra biển các tuyến hành lang Đông-Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông. Trong hệ kinh tế quốc tế, Lý Sơn nằm giữa khu vực trọng yếu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước gắn kết chặt chẽ với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Lý Sơn phát triển chủ đạo về nông nghiệp chủ yếu tỏi và hành. |
Về thế mạnh, Lý Sơn có tiềm năng về văn hóa biển-đảo, nông nghiệp (đặc sản tỏi, hành), khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá và ngư dân có kinh nghiệm truyền thống đánh bắt hải sản lâu đời. Thế nhưng, đảo tiền tiêu Lý Sơn gặp nhiều khó khăn vì là huyện nghèo, nằm cách xa đất liền 15 hải lý, nguy cơ bị cô lập khi thời tiết xấu, lao động chưa qua đào tạo chiếm 87,3% trên 21.000 dân. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và phương tiện giao thông còn hạn chế.
Với yêu cầu cấp thiết đầu tư phát triển đảo Lý Sơn, trong sáng nay, Hội thảo tập trung thảo luận về chủ đề “Định hướng phát triển đảo Lý Sơn”. Qua đó, TS. Trần Du Lịch tham gia bài tham luận “Một vài suy nghĩ về định hướng và giải pháp phát triển huyện đảo Lý Sơn”; PGS,TS. Trần Đình Thiên tham gia nội dung tham luận “Định hình chân dung hiện đại của Lý Sơn: Vượt tầm và đột phá”; Ths. Lê Thanh Liêm với bài tham luận “Cơ hội đầu tư vào khu vực huyện đảo Lý Sơn”;…
Các đại biểu tham gia Hội thảo Quốc gia về phát triển đảo Lý Sơn tại Quảng Ngãi. |
Tại Hội thảo vào buổi sáng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 nhà tình nghĩa cho hộ dân nghèo ở Quảng Ngãi; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tặng 126 tủ thuốc cho nhân dân đảo Lý Sơn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng 10 tỷ đồng cho huyện Lý Sơn cải thiện vệ sinh môi trường; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết tài trợ đóng 1 tàu cá kiểu mẫu cho ngư dân Lý Sơn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tài trợ 2 tỷ đồng xây dựng trường mầm non “tấm lưới nghĩa tình” cho huyện Lý Sơn.
Trong chiều nay, Hội thảo tiếp tục tham luận theo chủ đề “Các cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”.
Theo Dantri