Biển đảo Việt Nam

Sinh Tồn vọng tiếng chuông chùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua nhiều ngày vất vả trên chuyến hải trình ra Trường Sa, chúng tôi bước chân lên đảo Sinh Tồn. Trong hương vị mặn mà của gió biển, tôi thoáng nghe mùi hương trầm lan tỏa giữa thinh không, xen lẫn tiếng sóng biển rì rào ngoài khơi xa, tiếng chuông chùa vang lên làm chúng tôi quên đi cảm giác mệt nhọc sau những ngày lênh đênh trên biển. Tôi chợt thấy cảm giác nao nao, gần gũi, thân quen như đang ở đất liền. Đang chìm trong cảm giác ấy thì Thượng tá Đỗ Bá Dương-Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân giục tôi nhanh chân về chùa để thắp nén nhang tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa.

 Tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dọc theo những con đường bê tông, dưới những tán cây xanh xòe bóng mát, ngôi chùa hiện ra với dáng vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn một số chùa ở Trường Sa nhưng được xây dựng ở một vị trí trang trọng. Ngoài những nơi thờ, tụng niệm Phật, nơi đây còn đặt trang trọng tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Hàng ngày, các cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên đảo đều đến đây thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Chùa nằm giáp với khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, có diện tích khoảng 500 m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình ở vùng châu thổ Bắc bộ. Kiến trúc chùa gồm một gian hai chái; tường bao trổ hoa; hệ thống sân, vườn với những cây phong ba, bồ đề xanh ngắt mang đậm hồn của dân tộc.

Đại đức Thích Minh Huy-Trụ trì chùa Sinh Tồn chia sẻ: “Từ xưa tới nay, Phật giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc. Việc xây dựng chùa trên đảo Sinh Tồn và các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa là một tất yếu, bởi chùa luôn là biểu hiện sinh động trong đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt. ở đâu có chùa thì ở đó có dân. Việc xây dựng chùa là một sự quan tâm lớn đến đời sống tâm linh của quân dân nơi đây. Chính vì thế chúng tôi luôn theo lời Phật dạy hàng ngày thắp nhang, đọc kinh cầu mong cho đất nước thái hòa, thế giới bình an, hoan hỷ”.

 

Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nơi đây cũng là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của nhân dân trên đảo và những ngư dân đánh bắt xa bờ. Chị Trần Thị Tuyển (quê ở Bình Ba, Cam Bình, Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết: Là những người dân sống trên đảo Sinh Tồn, mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn và đất liền như gần với mình hơn. Từ đó quân dân trên đảo đoàn kết một lòng thi đua lao động sản xuất, nguyện bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.

Cứ vào 18 giờ và 4 giờ 30 phút mỗi sáng, tiếng chuông chùa trên đảo Sinh Tồn lại vang lên giữa thinh không, báo hiệu một ngày mới. Tiếng chuông chùa như thức tỉnh tâm hồn con người hướng về sự bao dung, độ lượng cũng như nhắc nhở ai đó hướng về quê hương về cội nguồn dân tộc để vững tâm giữ gìn từng tấc đất Tổ quốc; nó cũng báo hiệu sự an lành và khát vọng hòa bình của những người con đất Việt.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm