(GLO)- Một nét đẹp trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số, khi người con lớn cảm thấy mình đã trưởng thành và có đủ điều kiện kinh tế thì làm một lễ gọi là lễ tạ ơn để trả công ơn sinh thành của cha mẹ đã nuôi dạy mình, nó thể hiện đạo lý của con cái đối với cha mẹ, đề cao vai trò nuôi dưỡng, giáo dục của bố mẹ dành cho con cái.
Trình tự lễ, người con phải mang con heo còn sống hay con gà (tùy điều kiện kinh tế gia đình mà vật cúng lớn nhỏ) đến nhà cha mẹ, sau đó mời bà con họ hàng thân thuộc tới để làm cùng. Lễ cúng được diễn ra trong nhà. Thầy cúng (thường là già làng) gọi mẹ và con tới làm lễ, dùng loại lá Pơ ngăl truyền thống theo tục lệ nhúng vào bình rượu cần sau đó hất nhẹ rượu ra ngoài, thầy cúng làm trước sau đó tới mẹ và con.
Ảnh: Thanh Thảo |
Tiết linh vật cúng dùng một ít bôi quanh bình rượu cần để biết được con cúng gì cho cha mẹ mình. Gan heo hay gà dùng để nướng, nếu nhà có điều kiện cúng cả hai con cùng lúc. Gà được banh ra nướng xong dựng bên bình rượu cần để cúng. Con heo chia ra hai phần, một nửa con đem về nhà còn một nửa làm thức ăn đãi khách mời. Heo, gà sau khi chế biến xong được bày ra xung quanh bình rượu cần để sau khi làm lễ xong thì mọi người tới thưởng thức.
Thầy cúng gọi mẹ con tới làm lễ sau khi đọc tên mẹ con chúc gia đình sức khỏe, bình an, hạnh phúc… thì lấy một miếng gan heo đã nhúng vào rượu ghè đem ra ngoài cột nhà cúng trời đất, còn một miếng cúng tổ tiên trong nhà. Phần tiếp theo của nghi lễ người mẹ (người được cúng) là người đầu tiên uống một ít rượu cần coi như đã nhận sự đền đáp công ơn của con cái mình dâng lên, sau đó tới người con (người cúng) uống thường là người chồng uống trước rồi tới vợ, tiếp theo tới thầy cúng rồi bà con họ hàng thân thuộc, sau cùng là hàng xóm láng giềng và khách mời cùng uống rượu chung vui. Cuộc vui kéo dài gần như cả ngày theo phong tục, cứ khi nào khách đến thì lại bày đồ ăn ra mọi người vui vẻ hát hò chúc tụng nhau...
Những người tham gia lễ chỉ gồm thầy cúng, người mẹ và người con. Tập tục này chỉ có con ruột tạ ơn cha mẹ. Bà con họ hàng và hàng xóm tới chứng kiến coi như đã công nhận sự hiếu thảo của con đẻ dành cho cha mẹ mình. Khi tới họ thường mang theo gạo hay trứng gà làm tặng phẩm cho gia đình, có người còn biếu tiền chỉ khoảng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng… coi như là đóng góp giúp vui và mừng sức khỏe cho gia đình thịnh vượng, an khang. Bởi mục đích chính trong lễ là cảm tạ ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ và cầu sức khỏe cho con cháu, đoàn kết trong họ hàng, dòng tộc tạo sự gắn kết giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng.
Lễ đã khép lại nhưng nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc vẫn còn đây, dư âm của nó còn vang mãi trong tiềm thức những người tham dự. Phong tục tốt đẹp ấy sẽ còn tồn tại và lưu truyền cho tới nhiều đời sau cần được giữ gìn và phát huy để các giá trị tinh thần không bao giờ bị mai một.
Thanh Thảo