Biển đảo Việt Nam

Sự cần thiết ban hành Luật Biển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21-6-2012. Luật này bao quát các vấn đề quy chế pháp lý các vùng biển Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam, bao gồm 7 chương, 55 điều.
 

 

Thực hiện Kế hoạch số 3037/KH-UBND ngày 18-8-2014 của UBND tỉnh Gia Lai về việc tổ chức đợt cao điểm năm 2014 tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển trên địa bàn Gia Lai; kể từ số báo hôm nay (thứ sáu, ngày 12-9-2014 và định kỳ thứ hai, thứ sáu hàng tuần), Báo Gia Lai mở chuyên mục này nhằm mục đích cung cấp những vấn đề liên quan đến Luật Biển và vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Mong độc giả đón đọc, giới thiệu cho nhiều người đọc và tham gia viết bài cho chuyên mục.

Sự cần thiết ban hành Luật Biển Việt Nam là bởi vì, nước ta là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.200 km, kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Năm 1994, nước ta đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước và từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật của mình để phù hợp với các quy định của Công ước.

Điều nói trên có nghĩa nước ta có quyền hưởng và thực hiện các quyền hợp pháp của một quốc gia ven biển, đồng thời chấp nhận thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo các quy định của Công ước. Trên thực tế, các nước ven biển đều có các luật về biển, luật về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… Trong khi đó Việt Nam mới chỉ có một số văn bản pháp luật đề cập đến một số khía cạnh cụ thể có liên quan đến biển. Mặt khác, để vận dụng hiệu quả những nguyên tắc, quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, chúng ta cần xây dựng một bộ luật tổng quát về biển. Mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, tạo cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển Việt Nam và quy chế pháp lý của các vùng biển đó; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của Việt Nam.

 


Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 30 vĩ Bắc đến 260 vĩ Bắc và từ 1000 kinh Đông đến 1210 kinh Đông, là một trong những biển lớn nhất thế giới. Có 9 nước tiếp giáp với biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và vùng lãnh thổ Đài Loan. Theo ước tính sơ bộ, biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 300 triệu người ở các nước và vùng lãnh thổ nói trên.

Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của cả châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ.

Việc ban hành Luật Biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Luật Biển Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về cả đối nội và đối ngoại. Việc Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo của đất nước.

Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam. Sau khi ban hành Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã đạt kết quả là làm cho các quy định pháp luật quốc gia hài hòa với các quy định của Luật Biển quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển năm 1982. Việc này cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình đã chuyển một thông điệp: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982, thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

B.H (Biên soạn theo tài liệu của Bộ Nội vụ
ban hành ngày 9-8-2012 và một số tài liệu khác có liên quan)

Có thể bạn quan tâm