Thừa Thiên-Huế: Ngư dân ở Phá Tam Giang được xem bắn pháo hoa trong đêm giao thừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một chương trình “đinh” trong chuỗi sự kiện mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Quý Tỵ 2013 tại Thừa Thiên-Huế là chương trình bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa. Trong đó, không chỉ người dân và du khách tại Thừa Thiên-Huế háo hức chờ đợi mà bà con ngư dân sống và mưu sinh ven phá Tam Giang đang ngóng chờ từng giờ. Lần đầu tiên trong lịch sử định cư của ngư dân sẽ được tận mắt xem bắn pháo hoa ngay giữa làng mình.  
 

Lần đầu tiên ngư dân ven phá Tam Giang được tận mắt xem bắn pháo hoa ngay giữa làng mình. Ảnh: Bùi Oanh
Lần đầu tiên ngư dân ven phá Tam Giang được tận mắt xem bắn pháo hoa ngay giữa làng mình. Ảnh: Bùi Oanh

Sáng 23-1, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, cùng với 1.000 quả pháo hoa được bắn tại Quảng trường Ngọ Môn Huế (trung tâm thành phố Huế), đêm giao thừa năm Quý Tỵ 2013, lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức bắn 500 quả pháo hoa tại trung tâm thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền. Đây là địa phương nằm ven phá Tam Giang với hàng ngàn ngư dân sinh sống, mưu sinh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng phương án bắn pháo hoa tại hai địa điểm trên.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng là đơn vị được UBND tỉnh này giao nhiệm vụ chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật tổng hợp kết hợp với bắn pháo hoa đêm giao thừa với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước; sớm đưa tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương" từ 22 giờ ngày 9-2-2013 đến 00 giờ 15 phút ngày 10-2-2013 tại Quảng trường Ngọ Môn-Huế.

Dịp này, khắp nơi trên địa bàn Thừa Thiên-Huế tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân. Theo đó, ở thành phố Huế sẽ tổ chức Hội hoa xuân; các hoạt động văn hóa, giải trí vui xuân tại những địa điểm trên địa bàn thành phố. Tổ chức các hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân trong các ngày Tết; Lễ hội Đền Huyền Trân (tháng Giêng năm Quý Tỵ); tổ chức hoạt động nhân ngày Tết Nguyên Tiêu-Ngày thơ Việt Nam (ngày 15 tháng Giêng, Quý Tỵ). Tại các huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, tùy tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để phục vụ nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Các xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động văn hóa với quy mô thích hợp để phục vụ nhân dân.
 

Đại nội Huế là trung tâm tổ các hoạt động văn hóa mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Quý Tỵ 2013 tại Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Đại nội Huế là trung tâm tổ các hoạt động văn hóa mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Quý Tỵ 2013 tại Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh

UBND các huyện Phú Vang, Phong Điền và Quảng Điền phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tốt lễ hội vật truyền thống làng Thủ Lễ (ngày mùng 6 tháng Giêng), làng Sình (ngày mùng 10 tháng Giêng), lễ hội Đu Tiên tại Phong Điền (từ ngày mồng 2 đến mồng 4 tháng Giêng)... theo truyền thống hàng năm, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và theo quy định hiện hành.

Vào lúc 20 giờ ngày 2-2-2013, tại Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài diễn ra Chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Những mùa xuân lịch sử" giữa Huế-Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, kỷ niệm 45 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn vào tham quan di tích không thu tiền trong các ngày 10, 11 và 12-2-2013 (tức mồng 1, 2 và 3 Tết Quý Tỵ); tổ chức một số hoạt động vui Xuân tại các di tích do đơn vị quản lý.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm