GS Phạm Quang Hưng |
Ông cũng là cầu nối quan trọng cho việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Huế với Đại học Virginia và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở Đại học Huế. Nhân dịp Giáo sư mới được phong tặng danh hiệu Giáo sư Danh dự của Đại học Huế, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Phạm Quang Hưng về chương trình vật lý tiên tiến (VLTT) và những dự định sắp tới của ông.
Chào Giáo sư, ông có thể nói về cảm tưởng của mình tại Lễ phong tặng Giáo sư Danh dự Đại học Huế?
Tôi rất cảm động và vinh dự. Giám đốc Đại học Huế, các giáo viên và sinh viên đều đến chúc mừng khiến tôi vui quá! (cười)
Lý do nào khiến Giáo sư đã chọn Huế và “hết mình” với chương trình VLTT đến vậy?
Đại học Huế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đứng ra triển khai chương trình VLTT thí điểm vào năm 2006. Giám đốc Đại học Huế lúc đó đã có liên lạc với tôi và tôi cảm thấy rất hứng thú với chương trình này. Hồi đó tôi chưa thực sự biết đến Huế và cũng chưa biết phải bắt đầu thế nào. Tháng 1-2007, lần đầu tiên tôi đến Huế và được nói chuyện với các đồng nghiệp ở đây. Đến Đại học Huế và khung cảnh thanh bình của thành phố Huế, những điều đó làm cho tôi có kỳ vọng chương trình hợp tác sẽ tốt đẹp.
Sau hơn ba năm triển khai chương trình VLTT, Giáo sư nhận thấy kết quả chương trình này thế nào, có thành công như kỳ vọng ban đầu của ông?
Kết quả rất tốt và thậm chí còn vượt xa những gì tôi mong muốn. Lần đầu tiên Đại học Huế liên lạc với tôi là khoảng tháng 8-2006. Tôi đã sắp xếp để đến tháng 4-2007, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Huế và Đại học Virginia được ký kết nhưng lúc đó cũng chưa bắt đầu thực sự về vấn đề các giáo sư bên đó qua bên này dạy. Tháng 12-2007, tôi có cử một đồng nghiệp sang đây giúp đỡ để sửa soạn một phòng thí nghiệm cho chương trình VLTT. 1-2008 một giảng viên Đại học Virginia đã sang bên này dạy và từ lúc đó đến bây giờ có rất nhiều giáo sư bên đó đã đến Huế để dạy. Tôi nghĩ chương trình VLTT rất hay vì tất cả các môn vật lý đều được dạy bằng tiếng Anh và được dạy bởi phần lớn là giáo sư nước ngoài mà đa số là đến từ nước Mỹ.
Tôi hy vọng với sự nỗ lực của cả hai bên, chương trình này sẽ tiếp tục trong những năm tới. Chính ra chương trình này sẽ kết thúc vào năm 2012; nhưng theo tôi biết, Đại học Huế có chủ trương tiếp tục chương trình này. Tôi hy vọng chương trình VLTT như một cái mầm để có thể phát triển khoa học công nghệ ở Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đây là chương trình mới mẻ và chắc hẳn sẽ có rất nhiều những khó khăn khi bắt tay vào xây dựng chương trình?
PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế (trái), trao Bằng Giáo sư danh dự cho Giáo sư Phạm Quang Hưng. Ảnh: Thanh Vân |
Tất nhiên rồi, lúc bắt đầu một dự án đâu có phải cái gì cũng dễ dàng và hai vấn đề khó khăn nhất, đó là làm sao có thể xây dựng được phòng thí nghiệm cho sinh viên ở đây và làm sao tìm được những giáo sư từ bên Mỹ và nước khác qua đây giảng dạy. Nhưng lúc đầu tiên tôi cũng may mắn vì những đồng nghiệp của tôi chấp thuận sang đây giảng dạy trong thời gian dài tới một tháng. Không dễ tìm được người như vậy, nhất là đối với những người đang làm khoa học, bỏ ra một tháng để dạy là rất quý báu. Tôi phải thuyết phục họ và may mắn là tôi thành công.
Bắt đầu từ năm 2006 tại Trường đại học Sư phạm Huế, đến nay chương trình VLTT đã triển khai đến khóa thứ 4 với hơn 70 sinh viên đang theo học. Là giảng viên trực tiếp giảng dạy môn trong chương trình này, Giáo sư nhận xét thế nào về những sinh viên của mình?
Rất khá! Tôi và đồng nghiệp ở Virginia đã cho những bài thi giống bài thi ở Virginia. Chúng tôi rất mừng là kết quả thi rất tốt không kém gì sinh viên bên Mỹ, mà rất tốt là thế này, vì sinh viên bên Mỹ sống trong môi trường nói tiếng Anh, sinh viên ở đây chỉ nói tiếng Anh trong lớp nhưng họ đã có kết quả rất tốt. Tôi đánh giá cao nỗ lực học tập và tự xoay xở của các em. Vừa rồi có 6 em sắp tốt nghiệp vào tháng 7.2010 đi đăng ký vào một công ty điện tử của Nhật, không phải là kỹ sư điện tử mà tốt nghiệp về ngành vật lý tiên tiến nhưng các em được họ đánh giá rất cao. Điều đó làm tôi cảm thấy rất vui!
Giáo sư có nói: "Tôi như con thuyền đã chọn sông Hương làm bến đỗ”, có phải Giáo sư đã chọn Huế làm nơi sẽ trở về và định cư lâu dài?
Tôi về đây hằng năm, mỗi năm tôi đều về Việt Nam ít nhất một lần và về Huế là lâu nhất, khoảng 1 tháng, thành ra “con thuyền cập bến trên sông Hương” là như vậy.
Xin cảm ơn Giáo sư và mong ông sẽ tiếp tục có những đóng góp cho chương trình VLTT và sự nghiệp giáo dục ở Đại học Huế nói riêng, Việt Nam nói chung!
Thanh Vân (thực hiện)
Là điều phối viên chính thức của chương trình VLTT, GS Phạm Quang Hưng đã liên hệ và mời những giáo sư vật lý có tầm cỡ trên thế giới đến tham gia giảng dạy ở Đại học Huế (ĐHH). Từ năm 2007 đến nay đã có gần 30 lượt giáo sư, tiến sĩ là giảng viên các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài được mời về giảng dạy cho chương trình VLTT và 6 đoàn cán bộ từ ĐHH đến học tập và làm việc tại Đại học Virginia. Năm 2009, GS đã tổ chức siminar tư vấn và giới thiệu các cơ hội học tập thạc sĩ và tiến sĩ cho sinh viên của chương trình và giảng viên khoa Vật lý của ĐHH. Bên cạnh đó, GS cũng tổ chức nhiều seminar để trao đổi các hướng nghiên cứu và phương pháp giảng dạy mới với các giảng viên vật lý của ĐHH. Hiện GS đang liên lạc để tổ chức Hội nghị quốc tế về Vật lý lý thuyết tại trường Đại học Sư phạm Huế vào năm 2011. |