Ông Nguyễn Đắc Xuân |
Đi tìm vị trí lăng mộ Vua Quang Trung là đáp ứng lòng mong mỏi của dân tộc Việt. Người Huế mà đáp ứng được sự mong mỏi ấy thì vị trí văn hóa lịch sử của Huế sẽ được nâng cao hơn nữa, và cũng sẽ thu hút khách du lịch đến Huế nhiều hơn nữa”. Với suy nghĩ này, trong nhiều năm qua, Nhà Nghiên cứu Huế- Nguyễn Đắc Xuân đã bỏ nhiều công sức để đi tìm dấu vết Cung điện Đan Dương- nơi được xem là vị trí lăng mộ Vua Quang Trung. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết về những cơ sở để ông khẳng định Cung điện Đan Dương chính là lăng mộ Vua Quang Trung tọa lạc tại phủ Dương Xuân, nay thuộc phường Trường An, TP. Huế?
- Một nguyên chú trong bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm cho tôi biết “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Một nguyên chú khác trong thơ Phan Huy Ích cho biết: Khi ông ở trọ trong một ngôi chùa để làm việc với Thái sư Bùi Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm, “bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu” với ông. Lăng vua mới có tiểu giám giữ và phải ở gần chùa Thiền Lâm thì mới “thường đến hầu rượu” Phan Huy Ích được. Điều này chứng tỏ lăng Vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm. Chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An, phía Nam sông Hương và phía Bắc đàn Nam Giao, nguyên là một bộ phận của Phủ Dương Xuân- Cung điện Mùa đông thời các chúa Nguyễn do Hòa thượng Khắc Huyền khai sơn.
Nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí xuất bản đời Duy Tân lại viết “chùa Thiền Lâm do Hòa thượng Thạch Liêm dựng” và chùa nằm trên đất “An Cựu”. Chứng tỏ nhà Nguyễn cố tình viết sai lịch sử chùa Thiền Lâm. Vì sao? Cũng trong cuốn địa lý-lịch sử này viết về Phủ Dương Xuân rất to lớn đẹp đẽ, nhưng “tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ” (từ khi chiến tranh với loạn (Tây Sơn) địa điểm của Phủ mất tích). Vì sao địa điểm một cái phủ to lớn như thế có thể mất tích? Pierre Poivre trong bút ký Kỹ hành (Voyage) cho biết vào năm 1749, ông đã đến Cung điện Mùa Đông (tức Phủ Dương Xuân) trên một cái gò, có một cánh nhìn ra sông, trước Cung điện có một cái hồ...
Từ thông tin của Poivre, từ chùa Thiền Lâm tôi đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân. Lại gặp một vùng hoang địa bên phía Tây chùa Thiền Lâm, có đủ những cảnh vật mà Poivre đã viết. Vùng hoang địa này có những cái giếng hoang, dân địa phương gọi là “giếng loạn”, có nhiều mồ chôn gọi là “mã loạn”, có “Cồn bông sứ” chứng tỏ nơi đây từng là nơi cung điện thờ cúng trồng bông sứ. Trong vùng hoang địa này thế kỷ thứ XIX bị cấm dân chúng lai vãng, đến đầu thế kỷ XX các quan đại thần mới đến lập nghĩa địa, cho xây chùa để giữ nghĩa địa, phát hiện nhiều gạch đá táng cột, đá lát, ghế đá, chóp trụ đá và nhiều loại đá lạ khác từ dưới đất bị nước mưa chảy xói trơ ra, hoặc đào đất bắt gặp nhiều nơi.
Vùng này trước là đất của xã Dương Xuân, cũng có tên là Long Sơn, sau triều Nguyễn đổi lại là ấp Bình An (giống như triều Nguyễn đã đổi Quy Nhơn thành Bình Định, Tây Sơn thành An Tây) ở quê hương phong trào Tây Sơn. Những thứ đá ấy chứng tỏ nơi đây từng là một vùng cung điện, với nhiều kiến trúc, nơi thờ cúng (bông sứ) đã bị đập phá chôn vùi xuống đất với nhiều chữ “loạn” có liên hệ đến phong trào Tây Sơn/Nguyễn Huệ-Quang Trung. Trong vùng có nhiều giếng nước bỏ hoang chứng tỏ trước đây có nhiều người ở. Cụ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến- Phủ doãn Thừa Thiên- đã từng đến đây, đã rất khó hiểu về vùng đất hoang này. Trong bia văn Cổ Kính Trùng Viên Thuyết viết về một trong những cái giếng hoang trong vùng này, cụ Phó bảng đã đặt câu hỏi: “Cái giếng này do ai bắt đầu đào? Vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?”. Lời bình của người bạn đồng châu Quảng Nam của cụ Phó bảng viết “Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn”. Bia văn với lời bình dựng từ năm 1930 (hiện nay Phòng Văn hóa- Thông tin TP. Huế giữ), nhưng mãi đến nay tôi mới trả lời được cụ Nguyễn “Vì nó là nguồn nước của quan quân triều Quang Trung, kẻ thù của triều Nguyễn đã bị triệt hạ nên nó bị bỏ hoang”. Và qua đó cũng nói rõ “cái lớn” mà cụ Thượng thư bộ Binh triều Nguyễn Phạm Liệu không dám nói thẳng “Ấy là Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung”.
Công trình nghiên cứu của tôi không những giải mã được bí ẩn khu vực có Lăng mộ Vua Quang Trung đã từng bị quật phá ở đâu mà còn giải mã được nhiều bí ẩn giấu trong nhiều sử sách, các chùa ở Huế, văn thơ, ca dao ở vùng đất Thuận Hóa Phú Xuân này.
* Từ khi ông đưa ra phát hiện này hẳn có nhiều phản biện, nhiều ý kiến khác nhau. Những phản biện này có gợi mở cho ông thêm những hướng tìm tòi mới?
- Công trình nghiên cứu Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương- sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi đã xuất bản thành sách, đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá về chất lượng khoa học, đã đưa lên internet ba bốn năm nay và hiện nay vẫn còn giữ nguyên trong nhiều trang Web trên thế giới, đã trình bày nhiều nơi, đã có hàng trăm người tham gia ý kiến, trong đó có một số ý kiến phản biện. Nhưng tất cả những phản biện ấy đều thiếu cơ sở khoa học nên không giúp được gì cho tôi. Trái lại, sau các phản biện ấy tôi càng tin công trình của tôi hơn. Theo tôi, sự thực chỉ có một, tôi nghĩ rằng tôi đã tìm được sự thực ấy nên không nghĩ đến bất cứ một hướng tìm tòi nào khác nữa.
* Ông có cho rằng cần phải có những hội thảo mang tầm lớn hơn, mang tính quốc gia chẳng hạn, để đi đến sự thống nhất trong cách tiếp cận, tìm tòi về lăng mộ Quang Trung, bởi đây là vấn đề rất được nhiều người quan tâm?
- Trong cuộc Hội thảo khoa học về Nguyễn Huệ- Quang Trung cuối năm 2008 tại Huế và Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Huế hồi trung tuần năm 2009 vừa rồi, GS. Phan Huy Lê đã phát biểu và nhắc lại nhiều lần đại ý rằng, về tài liệu và lý luận trong công trình Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương- sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung có giá trị khoa học, không thể phủ nhận được, cho nên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng với ngành khảo cổ học sẽ tổ chức một hội thảo khoa học xem xét những thông tin khoa học và hiện vật, cảnh quan thực địa ở ấp Bình An, phường Trường An có khớp với nhau không. Nếu khớp thì chúng ta mới tính đến việc tôn tạo Cung điện Đan Dương như thế nào. Tôi đang chờ cuộc hội thảo ấy. Mới đây, đồng chí Hồ Xuân Mãn- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có cho tôi biết: “Việc dựng tượng Quang Trung- Nguyễn Huệ trên núi Bân xong, tỉnh sẽ tính đến việc xây dựng Cung điện Đan Dương”, tôi rất hy vọng vào điều đó.
* Xin cảm ơn ông.
Thanh Vân (thực hiện)